Đến dự Lễ phát động có ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; Ông Daisuke Okabe - Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng gần 500 đại biểu đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, các trường cao đẳng, trung cấp và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong toàn quốc tham dự bằng hình thức trực tuyến.
Startup Kite là hoạt động hằng năm, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, là sân chơi bổ ích, kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Năm 2021 với chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0”. Hướng đến các ý tưởng, dự án có hàm lượng cao ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ số trong mọi lĩnh vực nhằm chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật bối cảnh Covid 19 và trạng thái bình thường mới; được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2021.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết: Thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng, những năm trở lại đây, Giáo dục nghề nghiệp đã có những bước tiến, chuyển mình tiến bộ vượt bậc, tạo nên cái nhìn mới, niềm tin của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp với trình độ kỹ năng lao động thành thạo, với tương lai tươi sáng; đồng thời giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn mới trên bản đồ giáo dục nghề nghiệp khu vực và quốc tế thông qua việc liên tiếp đạt được huy chương đồng và huy chương bạc tại các kỳ thi tay nghề ASEAN, thi tay nghề thế giới.
“Những tiến bộ đó đã đóng góp vào việc đưa chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam tăng 13 bậc, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Lễ phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2021 là hành động "nói đi đôi với làm" của tất cả chúng ta để thực hiện thành công Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ”.
Với việc phát động cuộc thi này, các bạn học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiếp tục có được một sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công. Qua đó làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp, thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của đất nước yêu cầu cần có kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, của việc làm và cũng chính là những nhân tố làm nên sự thay đổi của khoa học công nghệ thông qua tư duy đổi mới, sáng tạo
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc thi, Thứ Trưởng Lê Tấn Dũng động viên học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi: “Bằng tình yêu nghề nghiệp hãy tập trung thể hiện sức trẻ của mình, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, vận dụng các kiến thức, kỹ năng của mình để đưa ra các sáng kiến, các giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng, của xã hội. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, gắn kết với giáo dục nghề nghiệp, trong đó có việc quan tâm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, qua đó, giúp giáo dục nghề nghiệp thực hiện thành công mục tiêu tạo một nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.”
Đánh giá cao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp cũng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam – UNFPA tổ chức cuộc thi, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng giới trẻ là động lực phát triển của mọi quốc gia và cần có một môi trường cho những suy nghĩ táo bạo, đột phá và sáng tạo.
“UNFPA tin rằng khai thác và nắm bắt kịp thời những đổi mới sáng tạo đột phá sẽ giúp khởi tạo một tương lai bền vững. Vì lẽ đó, chúng tôi muốn hỗ trợ thanh niên Việt Nam khám phá tiềm năng, ứng dụng của khoa học kỹ thuật và công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào mục đích hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật, nhờ vậy những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể giảm thiểu đáng kể” - bà Naomi Kitahara chia sẻ.
Trong những năm vừa qua, UNFPA đã tập trung quan tâm và hỗ trợ những nhóm dân số dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ. Người trên 60 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương trước COVID-19, bởi họ đối mặt với nguy cơ diễn biến bệnh nặng hơn và khả năng tử vong cao hơn. 95% người cao tuổi có bệnh lý nền, mãn tính, điều này càng khiến họ dễ bị ảnh hưởng trước những tác động tiêu cực của đại dịch. Giãn cách xã hội và các biện pháp phòng tránh COVID-19 cũng làm giảm khả năng sẵn sàng phục vụ của các cơ sở chăm sóc tập trung cho người cao tuổi.
Bà Naomi Kitahara cũng cho biết: “Để ứng phó với thực trạng già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, cần áp dụng cách tiếp cận theo vòng đời, bao gồm giải quyết những vấn đề mà người cao tuổi hiện tại và sau này gặp phải, giúp đỡ người trẻ chuẩn bị cho tuổi già và một xã hội già, thúc đẩy liên kết giữa các thế hệ trong quá trình chuyển đổi số nhằm đảm bảo toàn xã hội tham gia vào công cuộc tiến tới già hóa khỏe mạnh và năng động. UNFPA rất vinh dự trở thành cầu nối giữa thanh niên và người cao tuổi tại Việt Nam.”
Cũng tại Lễ phát động, ông Okabe, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nhận định: “Để thực hiện ‘xã hội bao trùm’, chú trọng đến những người dễ bị tổn thương, thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng. Như Chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên nhấn mạnh chuyển đổi số có thể là động lực thay đổi xã hội trong đó cuộc sống của người cao tuổi và người khuyết tật sẽ tốt hơn. Vì vậy tôi tin rằng cuộc thi này sẽ là cơ hội cho thế hệ trẻ và thế hệ cao tuổi có thể cùng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.”
Startup Kite 2021 bao gồm 3 vòng thi: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết. Vòng sơ tuyển thi viết lập ý tượng, dự án tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc từ tháng 5 đến hết ngày 31/8/2021 với hình thức online hoặc offline. Vòng bán kết thi thuyết trình và phản biện từ tháng 9 đến tháng 10/2021 tại Hà Nội, có thể đăng ký hình thực thi online hoặc offline để chọn ra các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc vào vòng chung kết. Vòng chung kết thi kêu gọi vốn đầu tư ảo (thuyết trình và thương thuyết với các nhà đầu tư) và xử lý tình huống vào tháng 11 năm 2021 với hình thức offline. Đặc biệt, các thí sinh/đội thí sinh được vào vòng chung kết sẽ được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp và hướng dẫn hoàn thiện ý tưởng/dự án để thi chung kết.
Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 giải nhất, tối đa 02 giải nhì, tối đa 03 giải ba. Mỗi giải nhất, nhì, ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kèm tiền thưởng, cúp khởi nghiệp và nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.
Lễ trao giải Startup Kite 2021 sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp vào tháng 11 năm 2021 tại miền Trung.
Các thông tin chi tiết về Thể lệ Cuộc thi được đăng tải trên website: http://gdnn.gov.vn/ mục tài nguyên, Vụ Công tác học sinh, sinh viên.