Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp là đầu tư phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi "phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu","đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển". Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức – giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong các năm 2017 và 2018, việc tổ chức Hội thảo giáo dục thường niên của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ đã được duy trì với từng chủ đề cụ thể, thiết thực và hấp dẫn: Năm 2017 là chủ đề "Về chất lượng giáo dục phổ thông", năm 2018 là chủ đề "Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế". "Từ những thành công của các Hội thảo trước, năm nay, việc lựa chọn chủ đề Hội thảo "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế" là chủ đề vừa có ý nghĩa cụ thể, thiết thực vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội" – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn từ Hội thảo này, các vị đại biểu sẽ có cái nhìn tổng thể, khái quát, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay; cùng tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như tồn tại; đặc biệt là đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi, thiết thực và hiệu quả cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp nước ta trong giai đoạn tới . Kết quả Hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.
GDNN gắn với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển KT - XH của đất nước
Trình bày báo cáo về thực trạng và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh Và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh va Xã hội đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở GDNN. Về tuyển sinh GDNN, từ năm 2017 đến 2018, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, nhận thức của người dân và xã hội đã có những thay đổi nên kết quả tuyển sinh tốt hơn năm 2016, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, vượt khoảng 100,2% đến 100,5%.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN (chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo) được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%.
Bên cạnh đó, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ; Hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN chưa cao; Mạng lưới cơ sở GDNN còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; Công tác tuyển sinh trong GDNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn; Đào tạo phần nào chưa đáp ứng nhu cầu xã hội v.v...
Với quan điểm phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết thời gian tới lĩnh vực GDNN sẽ tập trung một số giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN; Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được thực hiện theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, gắn với việc hình thành đồng thời các cơ sở GDNN đa ngành và chuyên ngành; Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững; Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN.
Chia sẻ về xu hướng thế giới về đào tạo nghề và bài học cho Việt Nam, bà Wendy Cunningham - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động, giúp giới trẻ sống ổn định cuộc sống. Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapo… là những đất nước luôn chú trọng đào tạo nghề từ rất sớm cho học sinh, xây dựng nền tảng vững chắc để công dân trẻ thành công với chính đam mê của mình. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập, đa số người lao động tại các nước phát triển đã qua đào tạo nghề. Trong tương lại, người lao động vẫn cần được đào tạo, đòi hỏi trình độ cao hơn
Với Việt Nam bà Wendy Cunningham cho rằng trình độ nghề và năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp. 67 % lực lượng lao động có trình độ trung học cơ sở trở xuống. Năng suất lao động thấp, tốc độ tăng chậm hơn các nước khác. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam không hiệu quả. "Xu thế hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp trên thế giới hiện nay là tăng cường quan điểm cho rằng giáo dục nghề nghiệp không phải là tiếp nối chương trình giáo dục chính thống. Giáo dục nghề nghiệp là cầu nối giữa nhà trường và việc làm, tăng cường việc nhân rộng kinh nghiệm làm việc"- bà Wendy Cunningham nói.
Theo bà Wendy Cunningham, để cải cách hướng tới một hệ thống giáo dục nghề nghiệp đẳng cấp thế giới tại Việt Nam cần áp dụng 5 xu thế, 3 lĩnh vực cải cách và 2 cơ hội. Trong đó 5 xu thế là tự chủ và trách nhiệm giải trình, phân bổ ngân sách theo kết quả, hợp tác với doanh nghiệp, tự học với sự trợ giúp của công nghệ. 3 lĩnh vực cải cách là giúp các trường tự chủ hơn nữa trong cung cấp dịch vụ, giúp nhà nước tập trung vào giám sát và hướng dẫn và hai bên cùng chịu trách nhiệm về giải trình. Hệ thống đào tạo nghề Việt Nam phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và Chiến lược đào tạo nghề 10 năm.
Hội thảo sẽ diễn ra trong 1 ngày. Phần thảo luận chuyên đề tập trung vào ba nội dung: (i) Thể chế giáo dục nghề nghiệp; (ii) Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; (iii) Chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cũng như các năm trước, Hội thảo được tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả (panelists) và đại biểu tham dự.