Trọn vẹn từng khung hình đẹp của ký ức xưa
Sau buổi chiếu, Mắt biếc đã khiến những ai trải qua 117 phút xem phim phải bồi hồi thổn thức trước một sản phẩm điện ảnh xứng đáng được nhận những lời khen ngợi vì sự chỉn chu, đầu tư công phu về nhiều mặt, như quay phim, âm nhạc, diễn xuất... Nhất là khi phim đã tái hiện được không khí làng quê bình dị ở miền Trung những năm 1970 - 1980 như những gì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả trong cuốn sách Mắt biếc vốn đã thu hút bao lớp độc giả.
Cái hay của văn chương là câu chữ, từ ngữ, còn với điện ảnh là ở ngôn ngữ hình ảnh. Mắt biếc có màu sắc, góc máy đẹp và sự chi tiết kỹ lưỡng từ trang phục, đạo cụ đến bối cảnh. 30 phút đầu phim, ai cũng có cảm giác được trở về những ngày tuổi thơ theo những trò vui dân gian của Ngạn được Victor Vũ tái hiện trên màn ảnh rộng thật sinh động, tạo được cái nền vô cùng thuyết phục. Để từ đó, khán giả thấu hiểu rằng Ngạn (Trần Nghĩa đóng) - trong thế giới mộng mơ do chính anh vẽ ra, đang từng bước lún sâu vào mối tình nên thơ nhưng cũng thật đau đớn của mình cho tới suốt quãng đời trưởng thành, trung niên sau này. Xuyên suốt phim, diễn viên Trần Nghĩa đã dùng ánh mắt biết nói của mình để diễn tả vô vàn cảm xúc. Khả năng diễn xuất bằng mắt đầy rung cảm của Trần Nghĩa đã giúp phim kéo khán giả đi cùng câu chuyện và các nhân vật xung quanh như Mắt biếc Hà Lan (Trúc Anh đóng), Dũng Sở Khanh (Trần Phong thủ vai), Trà Long (Khánh Vân).
Âm nhạc trong phim với ca khúc chính Có chàng trai viết lên cây của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh được nhà soạn nhạc tài ba Christopher Wong phối với dàn nhạc giao hưởng thính phòng qua nhiều phiên bản khác nhau, lúc vui lúc buồn, đã giúp bộ phim tăng thêm sức nặng về mặt cảm xúc trong thưởng thức.
Một trong những lấn cấn nhất của những ai từng đọc truyện nguyên tác có lẽ là chuyện tình “chú - cháu” của Ngạn và Trà Long (con gái của cô nàng Mắt biếc Hà Lan). Tuy nhiên khi xem phim, khán giả hoàn toàn không thấy có gì phản cảm mà dễ hiểu, phần nào hợp lý. Cảm xúc tình cảm giữa Trà Long và Ngạn trong phim dù có phát triển đến chạm ngưỡng tình yêu, nhưng vẫn ở mức an toàn, dư âm để lại vẫn là một tình cảm trong sáng. Chính vì vậy đạo diễn mới cho cô bé có một quyết định khác truyện ở hồi kết.
Hay, nhưng chưa đẩy tới cao trào cảm xúc
Biên kịch khéo léo khi đã chắt lọc những câu văn hay nhất trong nguyên tác để làm lời tự sự của Ngạn trong suốt bộ phim. Thay đổi lớn ở kết phim so với truyện gốc là bước đi khá mạo hiểm của Victor Vũ, vì đã thay đổi hoàn toàn góc nhìn của khán giả về nhân vật Hà Lan.
Như ngay từ đầu vào phim, đạo diễn đã không đề tựa là chuyển thể, mà dùng từ “dựa trên cuốn truyện”. Một số nhân vật người thân của Ngạn và Hà Lan ở làng Đo Đo đã được biên kịch lược bỏ, vài tuyến vai mới được thêm vào. Vì thế, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều quanh cái kết của phim khác hoàn toàn truyện, thậm chí là đối nghịch so với chọn lựa cuối cùng của các nhân vật chính trong truyện.
Nhiều khán giả đồng tình cho rằng đây là một sáng tạo đặc sắc của đạo diễn Victor Vũ khi đã dùng phiên bản mới của Mắt biếc trên màn ảnh rộng để thay cô gái dại khờ Hà Lan chuộc lỗi với một kẻ si tình tốt bụng như Ngạn. Nhưng sự “nhân văn” này cũng khiến cho bộ phim mất đi cái đớn đau suốt đời không dứt nhưng rất hay, rất đẹp; mà chính vì nó mà cuốn Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh mới trở nên ám ảnh, giàu sức nặng. Cũng như câu thoại quen thuộc nhưng sến súa, từng nhan nhản trên mạng xã hội một thời, có mặt trong nhiều bộ phim Việt lại được đưa vào phim như một thông điệp chính của phim, và là cớ để nhân vật Hà Lan có quyết định cho mình: “Có hai thứ không bao giờ được bỏ lỡ: một là chuyến xe cuối cùng về nhà, hai là người đã thật lòng yêu thương mình...”. Câu tự sự không phải từ văn chương Nguyễn Nhật Ánh này đã khiến phim ít nhiều mất đi thiện cảm từ độc giả từng yêu câu chữ của nhà văn.
Không ít người xem cũng cảm thấy tiếc cho Victor Vũ lần này vì anh vốn là một người rất giỏi về công thức làm phim gây được bất ngờ, đem lại cảm xúc cao nhất cho khán giả, thể hiện qua các phim Scandal, Quả tim máu... và ngay cả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - một phim cũng làm lại từ truyện Nguyễn Nhật Ánh. Ấy vậy mà với Mắt biếc, một câu chuyện được xem là sướt mướt, đậm màu tình ái và khổ đau nhất của Nguyễn Nhật Ánh, cao trào cảm xúc trong phim lại không đẩy lên được. Khán giả chỉ miên man, lắng đọng, bồi hồi với nỗi buồn, nỗi đau của Ngạn, Hà Lan, Trà Long trong những thước phim mà không có sự vỡ òa đỉnh điểm nào của cảm xúc.
Mắt biếc rất đáng để xem vì hay, chất lượng tốt trong mặt bằng phim Việt hiện nay, nhưng nói phim quá xuất sắc thì chưa tới!