Chiều nay 16/9, Phiên họp đặc biệt của các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Hội nghị "Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay" là một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Đây là một sự kiện đặc biệt bởi là lần đầu tiên một hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN được tổ chức với sự tham dự của cả các Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực lao động và Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực giáo dục của các nước thành viên ASEAN.
Thích ứng với tương lai, với sự thay đổi
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn trong đó chúng ta đã nói nhiều đến chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống và trực tiếp hiện hữu nhất vào thời điểm này là dịch bệnh, nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế, nhân công sẽ bị đào thải.
"Và những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới sẽ ra đời", Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, trên thế giới, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và ASEAN đã có rất nhiều diễn đàn ở các cấp độ bàn về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Dù ở cấp độ nào, giác độ nào, chúng ta đều khẳng định phải tăng cường đổi mới giáo dục để mọi người dân, ngay từ khi còn nhỏ phải được thôi thúc, khơi dậy sáng tạo, được rèn luyện kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều vấn đề mới nổi lên nhưng những yêu cầu nói trên vẫn hiện hữu. Đại dịch làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Điều đáng lưu ý, không chỉ lao động trong các ngành thâm dụng lao động mà cả lao động gia đình, lao động đơn lẻ, thậm chí lao động tự do kiếm sống qua ngày cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở nhiều nơi dễ dẫn đến nguy cơ một bộ phận người dân sẽ bị bần cùng hóa và một bộ phận trẻ em bị tước đi cơ hội phát triển.
Do đó, càng đòi hỏi chúng ta phải thích ứng với tương lai, với sự thay đổi này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như mối đe dọa thường xuyên của các yếu tố an ninh phi truyền thống, theo Phó Thủ tướng, chúng ta càng phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đa phương, đa chiều, thiết lập các mạng lưới, cơ chế kết nối rất linh hoạt giữa các Chính phủ với nhau, với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa mọi người dân.
"Mọi chính sách, trong đó có chính sách lao động, cần được hoạch định dựa trên quy mô và tầm nhìn, không chỉ bó hẹp ở tổ chức, cộng đồng, quốc gia mà phải mở ra ở tầm khu vực và thế giới", ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia
Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội với vai trò định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, sự tham gia của mọi người dân và đặc biệt là sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân.
Bởi, trong phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp không chỉ tham gia phát triển nguồn nhân lực cho cho chính mình còn tham gia vào quá trình đào tạo cho cả cộng đồng.
"Không chỉ có giáo dục đào tạo. Nhiều doanh nghiệp tư nhân còn tham gia vào đầu tư chăm sóc con người theo nghĩa rộng", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực - giải pháp quan trọng trong phát triển bền vững trong tương lai.
Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN được ghi trong Hiến chương ASEAN. Đặc biệt việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN ngày hôm nay, theo Phó Thủ tướng, "là thêm một minh chứng cụ thể, sinh động".
"Những nỗ lực như vậy cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục để có thể thực hiện thành công Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai", Phó Thủ tướng khẳng định.
Đồng thời, ông tin rằng, Hội nghị này với Chương trình nghị sự rất bao quát và sự tham gia đông đảo của các đối tác, đặc biệt việc thông qua Lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực sẽ thêm một bước được cụ thể hóa, hiện thực hóa những định hướng, những cam kết chiến lược của ASEAN.
"Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37", ông Đam nói.
Kết thúc bài phát biểu, Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam cam kết luôn tích cực phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên, các đối tác trong thực hiện Lộ trình này, biến cam kết chính trị trở thành hiện thực, để có rất nhiều cơ hội cho người lao động, cho doanh nghiệp và cho một cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng".
Phát triển nguồn nhân lực là đầu tư dài hạn quan trọng nhất
Cũng khẳng định vai trò quan trọng của phát triển nhân lực trong bối cảnh thế giới việc làm đổi thay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong bài phát biểu của mình nêu rõ: "Phát triển nguồn nhân lực là sự đầu tư dài hạn quan trọng nhất hướng tới viễn cảnh phát triển bền vững của khu vực vì một tương lai chung".
Theo đó, ông Nhạ cho rằng, thành công của một nền giáo dục không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên, học viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của người học hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của người lao động.
Trong thập kỉ vừa qua, khối ASEAN đã có bước tiến đáng kể trong các chỉ số tiến bộ xã hội, đặc biệt là về giáo dục cơ bản. "Vai trò của khối giáo dục sau phổ thông, bao gồm các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp, đang ngày càng được đẩy mạnh trong nâng cao năng lực tư duy, kĩ năng chuyển đổi của lực lượng lao động và hỗ trợ kết nối giữa kênh lao động và kênh giáo dục", ông Nhạ nói.
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, theo người đứng đầu ngành giáo dục, không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo.
Hội nghị cao cấp ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực lần này là cơ hội rất lớn để chúng ta cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phát triển nguồn nhân lực của mỗi nước và cộng đồng chung.
Đây là một cơ hội để chúng ta đóng góp sáng kiến nhằm thúc đẩy chuyển đổi ASEAN từ một khu vực nơi người dân tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài thành một cộng đồng thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Thực hiện được mục tiêu này cần nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt là đầu tư phát triển nguồn nhân lực của khu vực.
Đại dịch Covid-19 đã tác động tới 2,7 tỷ lao động
Trong bài phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viện dẫn, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc.
Tỷ lệ này ở ASEAN còn cao hơn. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở 5 nước ASEAN dự báo 56% việc làm trong các nước này có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tới 2,7 tỷ lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Riêng một nghiên cứu chưa đầy đủ, vào quý II năm 2020 đã có 480 triệu việc làm bị mất, con số này trong khu vực ASEAN là trên 42 triệu.