Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phòng chống ngập lụt cục bộ Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

(Dân sinh) - Các đơn vị chức năng cần thực hiện phương án ứng phó với ngập lụt, úng, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và vùng hạ du các hồ chứa.

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công điện khẩn gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố gồm: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Chủ tịch, giám đốc các Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà, Bắc Hưng Hải; Giám đốc các Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1, 2, 3, 4, 5; các Giám đốc Ban quản lý dự án các tỉnh đang quản lý các dự án sửa chữa, nâng cấp hồ chứa từ nguồn vốn vay WB8 về việc phòng, chống ngập lụt, úng cục bộ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đề phòng ảnh hưởng của bão số 4 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Nội dung Công điện cảnh báo, từ ngày 20/8 đến ngày 22/8, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to diện rộng. Mưa lớn có thể gây ngập lụt, úng trên diện rộng và uy hiếp an toàn công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước nhỏ, xung yếu và đang thi công sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới.

Để đề phòng ảnh hưởng, hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường theo dõi thông tin thời tiết, dự báo của các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án ứng phó với ngập lụt, úng, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và vùng hạ du các hồ chứa.

Kiểm tra, rà soát, lập danh sách các hồ chứa nước, đập đang tích đầy nước, bị hư hỏng do các đợt mưa, lũ trước, các hồ chứa đang thi công xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp, các hồ chứa vừa, nhỏ và hồ chứa xung yếu để có phương án ứng phó cụ thể cho từng công trình khi sự cố xảy ra.

Xác định cụ thể các khu vực có nguy cơ ngập lụt, khi xảy ra mưa lớn; tổ chức bơm tiêu nước đệm và khẩn trương vận hành công trình thủy lợi để tiêu nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Tổ chức trực ban 24 giờ/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ, bão; theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước đến hồ chứa nước; mực nước trong hệ thống công trình thủy lợi, vùng hạ du các hồ chứa và để thực hiện phương án ứng phó phù hợp.

Thường xuyên báo cáo tình hình an toàn công trình thủy lợi, sự cố công trình thủy lợi, diện tích ngập lụt, úng và vận hành công trình thủy lợi phòng, chống ngập lụt, úng về bộ phận thường trực bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phòng, chống ngập lụt, úng  của Tổng cục Thuỷ lợi.