Hoàn trả 20% học phí
Sáng 11/5, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một số người cầm biển trước cổng Trường quốc tế Singapore (SIS) tại Vạn Phúc (số 46 Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội) phản ánh về vấn đề liên quan đến học phí của trường.
Thông tin trên mạng xã hội cho rằng, chất lượng dạy online cho học sinh cấp 1 không tốt. "Trường dạy trực tuyến cho học sinh cấp 1 rất "lởm khởm", không kiểm soát chất lượng, hôm thì cực khó, hôm lại cực dễ như học mẫu giáo. Phụ huynh ý kiến thì BGH bỏ ngoài tai không trả lời" – thông tin nêu.
Bên cạnh đó, người đăng thông tin cũng cho biết, trường này đã có một văn bản về việc trả lại 20% học phí cho học sinh, tuy nhiên, việc trả lại tiền sẽ được tiến hành vào năm sau.
"Trường gửi 1 văn bản, trả lại 20% học phí nhưng phải hết năm học mới trả, trừ vào học phí năm sau, không hề giải thích: Vì sao là 20%? Vì sao không trả luôn kỳ tiếp theo? Học phí chương trình Quốc tế tới 400 triệu/năm, chương trình song ngữ khoảng hơn 220 triệu/năm" – trích thông tin phản ánh trên mạng xã hội.
Người này cũng nêu quan điểm cho rằng: "Trường đang đào tạo con người nên cần hành xử chuyên nghiệp, kể cả trong truyền thông chứ không chỉ trong đào tạo. Trường có thể đưa ra mức giảm học phí khác trường khác nhưng cần có lời giải thích trên cơ sở tính toán lại chi phí. Trường cần tôn trọng phụ huỵnh và cần mời đại diện phụ huynh đến để trình bày cơ sở tính toán của mình, đề nghị phụ huynh đồng ý, chứ không phải chỉ phát 1 thông báo là xong. Khi đã chốt mức giảm học phí rồi thì nên trả ngay trong kỳ tiếp theo, không có lý do gì để kéo sang tận năm học mới"…
Liên quan đến sự việc này, PV đã liên lạc với Ban giám hiệu Trường quốc tế Singapore tại Vạn Phúc để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, không nhận được sự hợp tác khi bộ phận bảo vệ không cho PV vào trường, chỉ ghi lại thông tin của PV và nói sẽ liên hệ lại.
Tiếp tục liên lạc với Phòng GD&ĐT quận Ba Đình, một lãnh đạo đơn vị cho biết, đã nắm bắt được thông tin và yêu cầu nhà trường báo cáo về sự việc. Khi đã có báo cáo, phòng sẽ lập đoàn kiểm tra làm việc với nhà trường về sự việc này, khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo đến cơ quan báo chí.
Có phải trường quốc tế?
Theo tìm hiểu của PV, Trường quốc tế Singapore ở địa chỉ 46 Vạn Bảo có tên trong số 11 trường phổ thông có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Theo thông tin giới thiệu trên website của trường quốc tế Singapore tại địa chỉ (http://vanphuc.sis.edu.vn), hệ thống giáo dục này cung cấp chương trình cho học sinh nước ngoài và học sinh Việt Nam từ bậc mẫu giáo đến hết lớp 5. Tập đoàn giáo dục này có 15 học xá trên toàn quốc tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Vũng Tàu, Nha Trang và tại Hạ Long.
Ngoài ra, trường còn được quảng bá với nhiều mỹ từ như "cộng đồng thân thiện, cởi mở" "được phụ huynh đánh giá cao về sự chân thành", "với việc chú trọng vào chương trình giáo dục kết hợp các giá trị Phương Đông và học vấn Phương Tây, chúng tôi hướng tới mục tiêu rèn luyện cho học sinh sự độc lập, tự tin, sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, cách thức giao tiếp hiệu quả để trở thành công dân có trách nhiệm với xã hội trong thế kỷ 21"...
Thời gian vừa qua tại thủ đô Hà Nội đã xuất hiện tình trạng trường học gắn mác quốc tế để nâng cao học phí nhằm mục đích tận thu trong khi thực chất, việc dạy và học không hề đáp ứng chuẩn quốc tế và không được cơ quan quản lý về giáo dục công nhận.
Thậm chí ở một số cơ sở còn xảy ra việc bạo hành học sinh. Đơn cử như vụ vụ giáo viên trường Maple Bear nhốt học sinh trong tủ gây bức xúc dư luận hồi tháng 8/2019.
Sau đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra thông tin về các trường có liên quan đến trường quốc tế.
Theo đó, các văn bản của Nhà nước chưa có định nghĩa về trường quốc tế; còn theo cách hiểu của phụ huynh thì trường quốc tế là có giảng dạy chương trình nước ngoài hoặc trường có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy.
Theo Sở này, trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là thực hiện sai quy định, nhưng "tên trường không nói lên tất cả".
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!