Bà Lò Thị Thu Thủy, Phó Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo (Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) cho biết, bạo lực trong gia đình dân tộc thiểu số xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở những dân tộc phụ hệ: 58,6% phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15-49 tuổi cho rằng chồng có quyền đánh vợ.
Trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ xảy ra còn trầm trọng hơn và có sự khác biệt giữa các nhóm tộc người. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong cộng đồng các dân tộc thường có xu hướng bạo lực kép: Người phụ nữ phải gánh chịu đồng thời nhiều hình thức bạo lực và thường chấp nhận, cam chịu các hành vi bạo lực do chồng gây ra. Các hành vi bạo lực trong gia đình ở các dân tộc thiểu số diễn ra khá phức tạp: Ở một số dân tộc có các hành vi bạo lực tinh thần (sỉ nhục, lăng mạ).
Bạo lực giới tại Việt Nam đang tồn tại với nhiều hình thái khác nhau. Đặc biệt, phụ nữ dân tộc thiểu số thường chịu nhiều tổn thương do bạo lực giới, xuất phát từ nguyên nhân tư tưởng phong kiến vẫn phổ biến tại cộng đồng nơi họ sinh sống và hành vi bạo lực của nam giới cũng nặng nề hơn do ảnh hưởng bởi rượu, bia. Phụ nữ dân tộc thiểu số cũng hạn chế hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ và công lý do vị trí địa lý, khả năng sử dụng tiếng phổ thông và khó khăn về di chuyển.
Hệ thống can thiệp và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới đã được chỉ rõ bao gồm tổ hoà giải, cán bộ công tác xã hội, các địa chỉ tin cậy ở cấp cơ sở (thôn/bản), cho tới cấp trung ương. "Một số dịch vụ hỗ trợ đã được đưa vào Đề án quốc gia về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, các vụ việc bạo lực giới không được ghi nhận và báo cáo đầy đủ do đội ngũ cán bộ cung cấp dịch vụ thiếu nhận thức, thiếu năng lực, chưa chủ động tiếp cận nạn nhân bị bạo lực giới, và lo ngại ảnh hưởng đến thành tích thi đua", bà Thủy cho hay.
Cũng theo bà Thủy, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực tình dục hiện nay còn một số vấn đề như: Thủ tục giải quyết phức tạp là rào cản cho việc tiếp cận công lý của phụ nữ. Hệ thống tư pháp hình sự vẫn chưa đáp ứng được quyền của phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục. Bên cạnh đó, thiếu các trung tâm trợ giúp phụ nữ bị baọ lực giới hoạt động hiệu quả. Cũng phải thừa nhận, các đường dây nóng, các dịch vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe chưa hoạt động hiệu quả.