Để đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm, hỗ trợ cho người lao động tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước, tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều chính sách về việc làm, giải quyết nhiều điểm tắc nghẽn, vướng mắc để tạo điều kiện cho người lao động tham gia tìm kiếm việc làm một cách thuận lợi.
Đối với các hoạt động giao dịch việc làm, Trung ương và địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, đưa vào hoạt động từ ngày 01/7/2019. Các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại địa phương trong tỉnh tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động gặp gỡ, trao đổi cung-cầu lao động, tìm kiếm việc làm phù hợp. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền hoạt động tư vấn – giới thiệu việc làm-xuất khẩu lao động và tạo nguồn cộng tác viên được nhiều kết quả nhất định, từ đó có những chuyển biến trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.
Theo ông Hoàng Tự Đức-Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Phú Yên, trong 7 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã tư vấn việc làm cho khoảng 8.100 người, giới thiệu việc làm cho gần 3.500 người. Do tình hình dịch Covid-19 nên số người thất nghiệp trong tỉnh cũng tăng cao. Ngoài việc hướng dẫn hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm còn tư vấn việc làm cho hơn 5.800 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và có 2.425 người được giới thiệu việc làm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động như: Công ty TNHH Vận tải TM An Thiên Phúc, Công ty CP An Hưng; ở ngoài tỉnh có Công ty Nissel Electric, Công ty CP Dệt Kondo, Công ty Nidec-Sankyo...Xuất khẩu lao động có Công ty Sen Đại dương, Công ty Sovilaco.
"Để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm, từ đây đến cuối năm, Trung tâm liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để nắm bắt thông tin, nhu cầu tuyển dụng để có kế hoạch giới thiệu cung ứng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là các đơn vị có chức năng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài"-Ông Hoàng Tự Đức cho biết.
Ông Nguyễn Tài Soa-Trưởng phòng Lao động-Việc làm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cũng chia sẻ thêm, để đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường lao động, với chức năng quản lý nhà nước về việc làm, việc nắm bắt cơ sở dữ liệu cung cầu lao động để đánh giá và kết nối thị trường lao động là không thể thiếu. Hiện tại các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện ghi chép, cập nhật thông tin lực lượng lao động của từng hộ gia đình, cập nhật thông tin của toàn bộ các doanh nghiệp có thuê mướn lao động trên địa bàn tỉnh. Từ đó vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động trên máy chủ của Bộ LĐ-TB&XH, hướng dẫn các địa phương tích hợp dữ liệu và khai thác thông tin lao động việc làm thất nghiệp trên bộ cơ sở dữ liệu này.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng đã phát triển thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người cho các Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức thực hiện các hoạt động thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn lao động liên tục và kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho các đơn vị trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Thường xuyên cập nhật thông tin về việc làm mới, việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động.