Bà Huỳnh Phạm Ái Thy-Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, kết nối giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thông qua Website của Trung tâm đã có 100.579 lượt truy cập các hoạt động, trường hợp trẻ em cần được hỗ trợ, nhờ đó mà đã kết nối được ngày càng nhiều nhà tài trợ trong và ngoài nước biết đến. Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông như xây dựng cụm Panô quảng bá hoạt động của Trung tâm đặt tại Huyện Đông Hòa và Thị xã Sông Cầu. Truyền thông nâng cao nhận thức cho 849 người chăm sóc trẻ tại 15 điểm trên địa bàn huyện Phú Hòa và thị xã Đông Hòa từ Dự án Truyền thông nâng cao nhận thức và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng và truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho 900 học sinh tại 18 điểm trường học trên địa bàn huyện Tuy An.
Đối với hoạt động kết nối, trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã phối hợp cùng với các tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động thiện nguyện tặng qùa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức cho các em chơi các trò chơi có định hướng giáo dục kỹ năng sống qua các chương trình "Xuân Yêu thương", chương trình "Đom đóm thắp sáng tương lai"; Phối hợp với Tập đoàn xây dựng APEC tổ chức chương trình "Siêu thị 0 đồng". Ngoài ra còn kết nối các mạnh thường quân đến thăm tặng quà cho người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, đã hỗ trợ cho 1.940 người với số tiền huy động hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng. Giới thiệu 1 thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp nhận học nghề miễn phí tại Hội An do tổ chức phi chính phủ Streets hỗ trợ.
Trung tâm còn tổ chức các hoạt động của các dự án, như dịch vụ hỗ trợ tâm lý cho trẻ em dễ bị tổn thương sống trong cộng đồng (WWO) đã cử cán bộ tham gia khóa tập huấn Giảng viên nguồn về thiết kế các hoạt động cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt do WWO tài trợ tại tỉnh Đồng Nai. Thăm và tặng quà hỗ trợ khẩn cấp từ Tổ chức WWO cho trẻ và người chăm sóc tham gia dự án bị ảnh hưởng bởi dịch COVID tại huyện Tây Hòa và Đông Hòa. Mỗi trẻ 1 phần quà trị giá 250 ngàn đồng; người chăm sóc mất việc được hỗ trợ 500 ngàn đồng, bị giảm thu nhập hỗ trợ 300 ngàn đồng, với kinh phí hỗ trợ cho 20 trường hợp là 11,8 triệu đồng. Hoạt động vãng gia, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ, sinh hoạt kỹ năng sống cho trẻ, hoạt Người chăm sóc, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho trẻ, cho cộng tác viên công tác xã hội phụ trách dự án.
Thông qua Dự án Holt đã hỗ trợ hơn 105 triệu đồng cho trẻ em khó khăn với các hoạt động: Hướng dẫn trẻ viết thư cảm ơn gửi nhà tài trợ và đánh giá sự tiến bộ của 10 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sau khi gia đình nhận hỗ trợ vốn phát triển sinh kế. Trao tiền quà Tết cho 1 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tham gia dự án Hotl tại thị trấn Phú Thứ số tiền 5,75 triệu đồng. Hỗ trợ 2 trường hợp phụ nữ sinh con ngoài ý với số tiền hơn 13 triệu đồng. Hỗ trợ vốn phát triển sinh kế cho 14 trường hợp mẹ đơn thân nuôi con nhỏ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền gần 86,4 triệu đồng.
Theo đánh giá của bà Huỳnh Phạm Ái Thy, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành có liên quan, đội ngũ cộng tác viên và sự đồng hành xuyên suốt của các đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các em trong nhóm thực hiện chương trình " Đom đóm thắp sáng tương lai" nên các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em bị xâm hại tình dục khi phát hiện phần lớn được can thiệp, hỗ trợ tâm lý kịp thời, hỗ trợ vật chất giúp các em ổn định tư tưởng, tiếp tục đến trường. Số tiền kết nối giúp đỡ cho các em ngày càng tăng hơn so với năm trước. Cán bộ Trung tâm được quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nên nhiều trường hợp can thiệp hỗ trợ cho đối tượng được thành công.
Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ trẻ em khó khăn cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định cần khắc phục. Đó là, trẻ em chưa được trang bị nhiều kiến thức về kỹ năng tự vệ và bảo vệ bạn khi bạn rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; đối tượng là người chăm sóc trẻ và cộng đồng dân cư còn thiếu kiến thức về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục. Sự chưa hiểu nhau giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên trong gia đình ngày càng nhiều nên nhiều trường hợp dẫn đến bạo hành gia đình, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em sống thiếu sự quan tâm, đua đòi, bỏ học. Báo cáo chưa kịp thời về các trường hợp khẩn cấp cần can thiệp tại cộng đồng, nên không ít trường hợp khi Trung tâm tiếp nhận đã quá muộn và can thiệp chưa thành công.