Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng. Theo Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Phú Yên, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong quá trình Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa là tăng trưởng kinh tế gắn liền với phải tập trung vào trợ giúp cho các đối tượng yếu thế. Nhằm thực hiện quan điểm trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 với mục đích huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, bị tâm thần góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Qua nhiều năm thực hiện đề án, đến nay đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội đã được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ này phải thường xuyên trao dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm hướng tới chuyên nghiệp hóa. Từ đó, công tác đào tạo nâng cao năng lực cần tiếp tục được chú trọng hơn. Để đáp ứng nhu cầu trên, Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tỉnh Phú Yên phối hợp với Trường Đại học Lao động-Xã hội (Cơ sở II) mở lớp tập huấn nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản để cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh nhận biết được đặc trưng tâm lý của một số rối loạn tâm thần và những can thiệp công tác xã hội cơ bản; quản lý trường hợp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng. Từ kiến thức nắm được, học viên biết cách xử lý tình huống can thiệp quản lý ca trong chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, sẵn sàng hợp tác với các ngành, đoàn thể có liên quan và gia đình để hỗ trợ người bị rối loạn tâm thần.
Theo Bác sỹ chuyên khoa II Mai Văn Thu, công tác tại Bệnh viện Chỉnh hình-Phục hồi chức năng thành phố Hồ Chí Minh, người tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn, ngày nay, do áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế, tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau nên số người tâm thần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố, đô thị lớn.
Người rỗi nhiễu tâm trí có thể chí thành 3 cấp độ: Người rối nhiễu tâm trí thể nhẹ, người mắc bệnh tâm thần, người mắc bệnh tâm thần mãn tính. Người rối nhiễu tâm trí: Ở giai đoạn này, cần phát hiện và can thiệp sớm tại cộng đồng thông qua các biện pháp trị liệu tâm lý, tư vấn cho gia đình, đối tượng về cách thức chăm sóc để phòng ngừa tái phát, phòng ngừa trở thành bệnh tâm thần. Người mắc bệnh tâm thần: Nhiều người rối nhiễu tâm trí không được phát hiện, can thiệp kịp thời chuyển sang thành mắc bệnh tâm thần.
Việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần là một thách thức lớn và là một gánh nặng đối với cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, cần tư vấn, trị liệu phục hồi tại cộng đồng bỡi các nhân viên công tác xã hội, có tác dụng phòng ngừa trở thành bệnh tâm thần mãn tính. Còn số người bị rối nhiễu tâm trí rơi vào tâm thần mãn tính cần liệu pháp dược hóa, tức là cho người bệnh uống thuốc, tiêm thuốc kết hợp chặc chẽ với liệu pháp tư vấn, trị liệu tâm lý, lao động trị liệu và các dịch vụ công tác xã hội khác có thể phục hồi chức năng cho phần lớn người bệnh.
Được biết, hiện nay ở tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng; trong đó, 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần và 397 người chưa xác định được dạng tật cụ thể. Vì tỉnh chưa có trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần chuyên biệt, nên việc nuôi dưỡng, trợ giúp người tâm thần chủ yếu dựa vào gia đình và cộng đồng. Vì vậy việc phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội để trợ giúp sức khỏe người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng là giải pháp cần thiết và hữu hiệu.
Theo bác sỹ chuyên khoa II Mai Văn Thu, các hoạt động của công tác xã hội đối với người bị bệnh tâm thần rất đa dạng và phong phú, đi từ các hoạt động mang tính phòng ngừa như giáo dục cộng đồng về bệnh tâm thần, cách hỗ trợ và tránh kỳ thị, phân biệt đối xử, đến các hoạt động hỗ trợ trực tiếp người bệnh như chăm sóc hỗ trợ về mặt tinh thần, xã hội, kết nối các nguồn lực trợ giúp và hỗ trợ, huấn luyện cho người nhà bệnh tâm thần biết cách chăm sóc và hỗ trợ người bệnh tâm thần và gia đình họ.