Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Phú Yên: Triển khai đồng bộ các chương trình giảm nghèo

Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay hơn 108 tỉ đồng, giúp gần 26.000 hộ vay vốn thoát nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo kết quả điều tra hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, đầu năm 2016, toàn tỉnh Phú Yên có 30.803 hộ nghèo, chiếm 12,62 %. Đến cuối năm 2019 còn 10.271 hộ, chiếm 3,93%, dự ước cuối năm 2020 còn 2,54%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

 Phú Yên: Triển khai đồng bộ các chương trình giảm nghèo - Ảnh 1.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí Trung ương đã bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là gần 430 tỉ đồng. Ngoài việc thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi một số giống cây, con có giá trị kinh tế cao kết hợp với sản xuất hàng hóa, bảo vệ môi trường; chính sách hỗ trợ về y tế cho hộ nghèo, cận nghèo.

Tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với sản xuất hàng hóa. Chính sách hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đặc biệt, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, 2 huyện nghèo (Đồng Xuân và Sông Hinh) đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện đầu tư các danh mục dự án, công trình và đã triển khai xây dựng hoàn thành một số danh mục công trình như: đường liên thôn, liên xã; trường học… góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn của 2 huyện này.

Đồng hành cùng với địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình tín dụng chính sách đến các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay tại các huyện miền núi, vùng nông thôn có tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển… tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Căn cứ Nghị quyết 76; Quyết định 2324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh triển khai tốt các chính sách, dự án giảm nghèo. Tổ chức quản lý, điều hành quyết liệt, sâu sát trong công tác giảm nghèo, nỗ lực triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc.

Trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế để vận hành chương trình giảm nghèo bền vững, duy trì được kết quả giảm nghèo đạt chỉ tiêu Quốc hội giao ở mức cao. Kiềm chế có hiệu quả tái nghèo; có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động xã hội, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo ở một số địa phương chưa được thường xuyên. Công tác vận động các nguồn lực còn hạn chế, một số cơ chế chính sách chưa phù hợp nên một bộ phận hộ nghèo đã và đang xảy ra tư tưởng ỷ lại, ngại lao động sản xuất, chưa tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo phần lớn là vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh. Nguồn huy động tại cộng đồng và bản thân tự lực của người nghèo còn hạn chế. Việc lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác còn nhiều lúng túng, thiếu hiệu quả. Nội dung thực hiện, đối tượng lồng ghép còn mang tính chung chung hoặc không đến được với người nghèo.