Theo dự thảo, xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, máy bơm chữa cháy phải được để trong nhà có mái che; tàu, xuồng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được bố trí bến đậu bảo đảm yêu cầu hoạt động của phương tiện.
Các phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác phải được để trong nhà có mái che hoặc để trong các khoang chứa phương tiện của xe chữa cháy, xe chuyên dùng và quản lý an toàn, bảo đảm sẵn sàng thường trực chiến đấu.
Xe chữa cháy, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, máy bơm chữa cháy và các phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác chưa sử dụng được niêm cất trong kho phải đảm bảo luôn để ở vị trí sạch sẽ, khô ráo.
Nơi quản lý phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Trách nhiệm của người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo đúng quy định của nhà sản xuất, theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Thường xuyên kiểm tra nơi quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện thuộc phạm vi quản lý; phát hiện kịp thời phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi quản lý, bảo quản, bảo dưỡng không bảo đảm an toàn để báo cáo cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý có biện pháp xử lý, khắc phục. Thống kê, báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trực tiếp quản lý về tình hình quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Dự thảo nêu rõ, nghiêm cấm các hành vi: Chiếm đoạt, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, thay thế, cho mượn phương tiện phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng và các hành vi trục lợi khác;
Tự ý thay đổi cấu tạo, tính năng, tác dụng của phương tiện phòng cháy và chữa cháy mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
Sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy không đúng mục đích, định mức, chế độ.
Hủy hoại, phá hoại làm hư hỏng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng.