Năm 2020, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nhất là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, Khu đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, các khu công nghiệp của tỉnh; nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai và đầu tư nguồn lực lớn, vốn đầu tư xã hội được tăng lên, hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ phát triển, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau khi tạm ngừng do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, do dịch Covid-19, số doanh nghiệp mới thành lập tăng lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, xuất khẩu tăng mạnh; du lịch tạo được sự khởi sắc, nhất là du lịch ở đảo Lý Sơn.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tăng cao nhất từ trước đến nay, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng các năm tiếp theo; công tác xúc tiến đầu tư được thay đổi mạnh mẽ, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được tăng cường tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Phong trào khởi nghiệp bước đầu tạo sự lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp, sinh viên. Các chương trình đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh gắn với giải quyết việc làm, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển... Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh Quảng Ngãi.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho khoảng 180.984 lao động, đạt 54%/kế hoạch năm 2020 và chiếm 90%/kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài: 7.466 người, đạt 82%/kế hoạch 5 năm. Theo đó, tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đào tạo, thủ tục xuất cảnh cho 884 lao động, trong đó: Người nghèo, người dân tộc thiểu số 232 lao động, người cận nghèo 137 lao động và 515 lao động khác.
Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 51% năm 2015 xuống còn 4,9 % năm 2020. Chỉ tiêu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh 40% đến năm 2020.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 45% năm 2015 đến năm 2020 đạt khoảng 55%, trong đó: lao động nữ 45%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 80 - 85%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 3,8% năm 2015 xuống còn 3,5% năm 2020 (đạt chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 85% năm 2015 tăng lên 86% năm 2020 (đạt chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm 5 năm qua đạt 35%.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy và hướng dẫn chuyên môn của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH làm đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về tuyển dụng lao động; triển khai thực hiện Chương trình đã thực sự tạo được chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho nhân dân, như công tác thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dự án, ưu tiên trong các lĩnh vực tập trung thu hút các dự án cảng biển và hệ thống logistics; đẩy mạnh phát triển công nghệ phụ trợ, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch và dịch vụ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề.
Tổ chức các sàn giao dịch việc làm, thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tuyển sinh của các cơ sở đào tạo đến với người lao động thường xuyên hơn, thuận tiện hơn, người lao động được cung cấp thông tin tốt hơn, được tư vấn, phỏng vấn, giới thiệu việc làm nhiều hơn, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng nông thôn mới, kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm nghèo, giảm tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm; góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.