Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Ninh: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tạo nền tảng vững chắc cho phát triển KT-XH

(Dân sinh) - Những giải pháp quyết liệt nhằm phát triển nguồn nhân lực đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tỉnh Quảng Ninh tăng liên tục từ 63% năm 2015 lên 85% năm 2020. Dự kiến năm 2025 số lượng lao động cho các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh là trên 132.000 người.

Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Đặc biệt, với nhiệm kỳ 2020-2025, nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên số 1, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.

Quảng Ninh: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững - Ảnh 1.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững

Ngay từ rất sớm, Quảng Ninh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bước đi đột phá đầu tiên của tỉnh phải kể đến là việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 9/6/2014) về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (NQ15).

Đây được coi như kim chỉ nam trong thu hút và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả NQ15, giai đoạn 2015-2020, ngân sách cho giáo dục và đào tạo luôn chiếm trên 30% ngân sách chi thường xuyên của tỉnh (gần 22.000 tỷ đồng). Đặc biệt, Quảng Ninh có riêng Đề án 293 cho đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030...

Những giải pháp quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% năm 2015 lên 85% năm 2020, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương tốp đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Đáng lưu ý, tỉnh Quảng Ninh đang có sự chuyển đổi nhanh chóng mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" nhờ có sự định hướng đào tạo, chuyển dịch nhân lực từ lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản và khai khoáng sang khu vực dịch vụ và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như du lịch, chế biến và chế tạo...

Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự quan tâm của các nhà đầu tư dành cho Quảng Ninh, dự kiến năm 2025 số lượng lao động cho các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh là trên 132.000 người. Trong đó, nhu cầu về lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 10.600 người, cao đẳng khoảng 7.600 người, trung cấp 7.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 7.400 người, lao động chưa qua đào tạo 99.000 người.

Được biết tại kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII (tháng 12/2020), HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chất lượng hệ thống giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT), xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Đề án sẽ tiến hành phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh để chỉ ra những bất cập và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề chất lượng nhân lực của tỉnh; học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm kinh tế - xã hội và phát triển. Trên cơ sở đó, Đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; bao gồm cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực...

Với những bước đi chiến lược cho thấy, nguồn nhân lực vẫn là ưu tiên hàng đầu, đang được tỉnh Quảng Ninh triển khai một cách bài bản theo hướng vừa đào tạo và bồi dưỡng, vừa thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh cần.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ đội ngũ CB,CC,VC đến lực lượng lao động tiếp tục là một trong những yếu tố quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành địa bàn phát triển năng động, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.