Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Quảng Ninh: Tăng cường hỗ trợ lao động tìm việc làm

(Dân sinh) - Cùng với việc khôi phục các hoạt động kinh tế, du lịch, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng quan tâm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau dịch. Nhờ làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, hơn 7.000 lao động đã được tuyển dụng thông qua Sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Ninh.

Hơn 7.000 lao động được tuyển dụng trong quý 1/2021

Trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh là một trong những vùng dịch Covid-19 bùng phát. Nhằm đảo bảo an toàn trong phòng, chống dịch, nhiều địa phương trong tỉnh đã dừng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng cho khôi phục lại sản xuất và hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm 

Để đảm bảo an toàn cho người lao động, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ người lao động làm xét nghiệm Covid-19, phun khử trùng phân xưởng, văn phòng, nơi diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với các lao động ngoại tỉnh, quay lại tỉnh làm việc cũng được các công ty bố trí xe đưa đón công nhân, tiến hành xét nghiệm bắt buộc và cách ly tự nguyện 14 ngày trước khi chính thức quay trở lại làm việc. Do vậy, tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đón hơn 31.000 lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc ổn định.

Cùng với việc khôi phục các hoạt động kinh tế, du lịch, tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng quan tâm, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm sau dịch. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh), đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin về thị trường lao động để người lao động có nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt; thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các hình thức kết nối việc làm từ trực tuyến đến trực tiếp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động.

Với tần suất hoạt động định kỳ 5 phiên giao dịch việc làm/tháng, tại 4 thành phố: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, đồng thời  duy trì các phiên có kết nối online,  trong những tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm, có 115 doanh nghiệp, đơn vị tham gia tuyển dụng hơn 7.000 lao động ở các vị trí từ lao động phổ thông đến Đại học và sau Đại học. Gần đây nhất, kết thúc phiên giao dịch việc làm ngày 25/3, đã có 831 lao động được tư vấn việc làm, học nghề; 133 lao động được giới thiệu việc làm thông qua đăng ký dưới hình thức trực tiếp và qua online tập trung ở các ngành nghề như: kế toán, quản trị kinh doanh.

Quảng Ninh: Tăng cường hỗ trợ lao động tìm việc làm - Ảnh 1.

Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh

Đẩy mạnh kết nối thông tin về thị trường lao động

Để đảm bảo hiệu quả hoạt động sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh đã cử cán bộ trực tiếp đến các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và mời các doanh nghiệp, đơn vị tham gia phiên giao dịch việc làm. Đồng thời gửi thông báo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị đến các địa phương trong tỉnh để thông báo, quảng bá mục đích thông tin đến được với đông đảo người lao động.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường hoạt động đăng tải các thông tin "người tìm việc, việc tìm người" trên trang điện tử của Trung tâm để người lao động và doanh nghiệp có thể tương tác với nhau thông qua trang fanpage Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh. Kết quả, đã thu hút được 13.270 lượt truy cập.

Để  đẩy mạnh công tác kết nối thông tin về thị trường lao động, việc làm Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và trình Giám đốc Sở LĐ- TB&XH phê duyệt Chương trình công tác trong lĩnh vực lao động việc làm. Theo đó, Chương trình công tác gồm: Tổ chức 61 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại 4 trụ sở của Trung tâm thuộc 4 thành phố trong tỉnh; 4 phiên giao dịch việc làm online kết nối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh phía Bắc; 12 buổi Ngày hội tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động đến tận các huyện, thị xã trong tỉnh; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức.

Qua chương trình trên, người lao động có thêm thông tin chính thống, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của các hoạt động giao dịch việc làm, từ đó chủ động tìm đến các hoạt động giao dịch việc làm, tìm kiếm việc làm, học nghề hoặc đi xuất khẩu lao động phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình.