Có thể thấy, trong năm 2020, công tác bảo vệ trẻ em tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Xác định truyền thông đóng vai trò quan trọng để thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em nên luôn được các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện. Toàn tỉnh, đã tổ chức 232 buổi tuyên truyền trực tiếp tại trường học, cộng đồng hoặc lồng ghép các nội dung về Luật Trẻ em và các kiến thức về bảo vệ trẻ em cho 49.980 lượt người nuôi dưỡng, cha mẹ, trẻ em và cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đồng thời, tổ chức 109 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 8.641 lượt cán bộ làm công tác BVCSTE các cấp, đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội, trẻ em nòng cốt tại các CLB và Đội truyên truyền viên măng non trong trường học. Hoạt động của hệ thống BVCSTE được triển khai đẩy đủ. Các Sở, ban, ngành căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của mình để kịp thời thông tin, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình BVCSTE, như: "Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt"; "Dạy nghề gắn với việc làm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn"; "Phòng chống Tai nạn thương tích"; "Dịch vụ tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ em rối nhiễu tâm trí"; "Lớp học chuyên biệt cho trẻ khiếm thính có thu phí"; "Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ"; Câu lạc bộ "Thân thiện"; "Chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ"…
Công tác hỗ trợ, chăm sóc trẻ em được quan tâm. Toàn tỉnh có trên 200.000 trẻ em được tặng quà với số tiền trị giá trên 12 tỷ đồng nhân dịp Tết thiếu nhi. Có 207.485 lượt trẻ em được tham dự vui Tết Trung thu, trong đó có 16.512 lượt trẻ em được thăm, tặng quà với tổng trị giá 4.989 triệu đồng. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 02 Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND, Nghị quyết số 91/2017/NQ-HĐND đây là chính sách đặc thù của tỉnh năm 2020 đã có 13.303 lượt trẻ được hỗ trợ về học tập, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ đột xuất với tổng số tiền là 17.316,469 triệu đồng.
Nhằm tạo điều kiện cho các em thực hiện quyền tham gia của mình, Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2020 với chủ đề "chung tay phòng chống xâm hại trẻ em", với sự tham gia của 90 đại biểu trẻ em, 16 cán bộ phụ trách của 13 huyện, thị xã, thành phố và Cơ sở Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh. Cùng với đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 3 Diễn đàn trẻ em "Điều em muốn nói" tại các trường THCS, tiểu học thu hút trên 2.000 cán bộ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh tham gia.
Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì mô hình "Bảo tồn và phát huy tác dụng một số cây thuốc nam quý hiếm tại trường THCS thị trấn, trường Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ"; Mô hình "Nâng cao nhận thức của học sinh THCS về vấn nạn ấu dâm" của trường THCS Phong Cốc, thị xã Quảng Yên; Mô hình "Nhận biết và phòng tránh tệ nạn ma túy cho học sinh lớp 9 của trường THCS Nguyễn Đức Cảnh - Thị xã Đông Triều. Hỗ trợ kinh phí cho các trường để duy trì, mô hình Đội tuyên truyền măng non được duy trì tại 198 trường THCS của 13 huyện, thị xã, thành phố với nhiều hoạt động phong phú theo chuyên đề, phù hợp với từng độ tuổi các em; duy trì Mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh: tổ chức họp 2 lần với sự tham gia của 34 thành viên tập trung thảo luận vào các nội dung thực hiện quyền của trẻ em, những hành vi vi phạm quyền trẻ em tại địa phương. Mô hình Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em tiếp tục duy trì hoạt động tại 13 huyện, thị xã, thành phố. 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mở các lớp năng khiếu hè.
Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, cộng đồng và chính các gia đình nên trẻ em Quảng Ninh được quan tâm. Năm 2020, có 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp (đạt so với kế hoạch); Số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích là 28 trẻ, giảm 1 trẻ so với cùng kỳ năm 2019; toàn tỉnh có 26 vụ, 30 trẻ em bị xâm hại (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2019).
"Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai", tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để thúc đẩy việc thực hiện quyền của trẻ em. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.