Tại huyện Quỳ Hợp, trong 3 năm từ năm 2016 -2018, có 50 trường hợp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà ở các xã khác trong huyện như Châu Quang, Đồng Hợp. Đối tượng chủ yếu là các em học sinh chưa nhận thức đúng về hôn nhân, một số các cháu sống buông thả hoặc là sự quan tâm giáo dục của gia đình chưa đúng mức. Và cũng từ đó mà tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng, qua số liệu của Tòa án nhân dân huyện Quỳ Hợp số vụ ly hôn tăng lên hàng năm: Năm 2016 có 160 vụ đến năm 2018 tăng lên 196 vụ; nhiều trường hợp các cặp vợ chồng sống với nhau không có đăng ký kết hôn (phần lớn là do tảo hôn).
Từ thực tế đó, trong những năm gần đây cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tập trung nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược công tác xây dựng gia đình bền vững. Ban Thường vụ Huyện ủy đã có Chỉ thị số 05 ngày 16/02/2016 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tảo hôn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, giai đoạn 2015-2020". Hội liên hiệp phụ nữ có Đề án "Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp" giai đoạn 2016-2020 với mục đích tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh và cộng đồng xã hội trong thực hiện các quy định của Pháp luật về hôn nhân và gia đình... Góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nghèo nàn, nâng cao dân trí, chất lượng cuộc sống, xây dựng đời sống ngày càng văn minh.
Tại lễ phát động, đại diện các lớp của trường THPT Quỳ Hợp I đã ký cam kết thực hiện Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.