Nỗi lo từ thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ
Thời điểm này, nhiều mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói như bánh kẹo, mứt các loại được bày bán tại các chợ truyền thống với chủng loại và mẫu mã rất đa dạng, trong đó có rất nhiều chủng loại bánh, mứt kẹo, được bày bán theo cân, không bao bì, nhãn mác đến từ các xưởng sản xuất gia đình với lời đảm bảo bằng miệng "cứ yên tâm về chất lượng". Bên cạnh đó, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm được bày bán ở các chợ truyền thống hiện nay hầu hết đều không có nhãn mác hay thông tin nguồn gốc, xuất xứ.
Thực tế cho thấy, thực phẩm bẩn có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, đặc biệt là tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống – nơi nhiều loại thực phẩm được bày bán, luân chuyển đi khắp nơi. Thống kê cho thấy, TP Hà Nội hiện có 239 chợ, trong đó có gần 170 chợ loại 3 và chợ tạm. Trong khi 3 chợ đầu mối và các chợ loại 1, loại 2, việc kiểm tra, giám sát về giá cả, chất lượng hàng hóa được thực hiện khá tốt thì ở các chợ loại 3, chợ tạm, chợ tự phát, việc kiểm tra, giám sát ATTP còn lỏng lẻo, chưa đi vào nề nếp, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Nhất là thời điểm cận Tết, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra một cách phổ biến, những mặt hàng này chủ yếu xuất hiện ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp chủ lực các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và người lao động. Đây được coi là mối nguy cơ tiềm tàng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, theo Cục ATTP (Bộ Y tế), tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức… vẫn diễn ra thường xuyên. Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, 9 tháng năm 2019, toàn thành phố đã thành lập 718 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua kiểm tra 102.595 lượt cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt 5.819 cơ sở với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Riêng CATP Hà Nội đã phát hiện 2.485 vụ vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 2.485 vụ, thu nộp ngân sách hơn 8,2 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng sản xuất hàng giả, kém chất lượng.
Hà Nội cũng đã lấy 3.829 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm có 3.586 mẫu đạt chỉ tiêu (chiếm tỷ lệ 93,7%), tức còn 6,3% mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm không đạt...
Còn theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong 1 tháng gần đây, cơ quan này đã ban hành 100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn với tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, 48 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có giấy chứng nhận, nhưng đã hết hạn trên 3 tháng.
Ngoài ra, theo thông lệ, trước, trong và sau tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa bao giờ cũng tăng mạnh; hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng cũng diễn biến phức tạp. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng tiêu dùng thiết yếu... qua biên giới càng mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi, tập trung chủ yếu ở các khu vực như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh... Càng gần Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng phát hiện càng nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn thực phẩm đang được các đối tượng vận chuyển đi tiêu thụ. Trong đó, đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, động vật hoang dã thẩm lậu ngày càng nhiều.
"Hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn ở thời điểm cuối năm với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất ATTP sẽ diễn biến phức tạp" – ông Trần Văn Chung- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định.
Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP dịp Tết Canh Tý
Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho rằng do tâm lý tích trữ thực phẩm vào dịp Tết nên nhiều gia đình đã mua nhiều loại thực phẩm "chất đầy tủ lạnh" và nhiều khi do tâm lý mua lấy được mà người tiêu dùng không kịp để ý đến nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm an toàn, đọc kỹ nhãn mác sản phẩm thực phẩm trước khi lựa chọn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không mua tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng; không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính; không ăn các loại nấm lạ, nấm hoang... Kịp thời công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Đồng thời, công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm cũng được tăng cường trong dịp này. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh thành phố trọng điểm bao gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương, Điện Biên, Lai Châu, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cà Mau, Bạc Liêu. Tại các địa phương cũng sẽ tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp từ cấp tỉnh đến quận/huyện, xã/phường.
Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng. Trong quá trinh thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm ATTP.
Ông Phong cũng cho biết thêm, công tác thanh tra, kiểm tra ở trung ương sẽ diễn ra từ 2/1/2020 đến 15/1/2020, bên cạnh đó, sẽ kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý đến hết mùa Lễ hội Xuân 2020. Tại địa phương, sẽ thanh tra, kiểm tra chủ động trước, trong, sau Tết và lễ hội tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương từ 20/12/2019 đến 25/3/2020.