Phiên giao dịch việc làm ngoài nước trực tuyến do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và đặt đầu cầu chính tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế. Đây là sự kiện nhằm thông tin tuyên truyền, tuyển chọn ứng viên tham gia Chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở nước ngoài (Nhật Bản – Chương trình EPA), dành cho các ứng viên thuộc 6 tỉnh khu vực miền Trung, bao gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Phát biểu khai mạc phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại đầu cầu chính, ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là một chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bên cạnh việc đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các Chương trình phi lợi nhuận với chi phí thấp do Cục quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện, như: Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi học tập và làm việc tại CHLB Đức và Nhật Bản; đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan… đã tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là những trường hợp có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thêm cơ hội lựa chọn, đăng ký ứng tuyển để ra nước ngoài làm việc, qua đó nâng cao thu nhập, giúp gia đình thoát nghèo.
Riêng tại Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, số lượng lao động Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng qua từng năm.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 3.686 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 141,8% kế hoạch. Trong đó thị trường lao động Nhật Bản là thị trường có số lao động sang làm việc nhiều nhất với 2.965 lao động (chiếm 80,4%).
Về Chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý đi làm việc ở Nhật Bản (Chương trình EPA), theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước), đây là Chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định nếu được tuyển chọn sẽ tham gia khoá đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí (khoảng 6 triệu đồng/tháng).
Đây là cơ hội dành cho người lao động thuộc các tỉnh miền Trung lựa chọn, ứng tuyển để ra nước ngoài làm việc với nhiều chính sách hỗ trợ.
Tại phiên giao dịch, bà Trần Thị Vân Hà đã thông tin chi tiết về Chương trình EPA và thông tin nhận hồ sơ tuyển chọn đợt 2 khóa 9 năm 2020 đến hơn 600 khách mời trực tiếp tại 6 đầu cầu và những người quan tâm là các sinh viên điều dưỡng đã tốt nghiệp hoặc đang học tại các trường Đại học, Cao đẳng y tế...
Tại Phiên giao dịch việc làm ngoài nước hôm nay, tôi mong các bạn thanh niên, người lao động, các ứng viên hãy tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn ứng tuyển vào những vị trí việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả năng của bản thân để có cơ hội việc làm, thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình và đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Trong thời gian diễn ra phiên giao dịch, Ban tổ chức đã nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến thắc mắc của các khách mời, ứng viên từ các đầu cầu liên quan đến Chương trình EPA và một số chương trình phi lợi nhuận với chi phí thấp khác. Các câu hỏi cũng đã được đại diện Ban tổ chức giải đáp nhanh chóng, rõ ràng, đáp ứng nhu cầu thông tin của người hỏi.