Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia

(Dân sinh) - Ngày 10/7, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tổ chức hội nghị “Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia”.

Hội nghị hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ công thông qua chia sẻ kinh nghiệm kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và tiếp thu ý kiến của người dân. Phản hồi của người dân theo dõi trực tuyến sẽ được đề cập đến trong phiên thảo luận với người dân, do ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; và ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, điều hành.

Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi cùng các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Mục tiêu của cổng dịch vụ công quốc gia là không để lại ai phía sau, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó sẽ đưa các dịch vụ công từ các bộ ngành tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo cho người dân một dịch vụ công thân thiện theo hướng không phụ thuộc vào thời gian, không phụ thuộc vào địa giới hành chính". Cổng dịch vụ công quốc gia cũng là kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, để người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng chính phủ trong xây dựng hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.

Sau 7 tháng triển khai, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp 750 dịch vụ công trực tuyến (359 dịch vụ công dành cho người dân, 414 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp), có hơn 189 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 49,6 triệu lượt truy cập; hơn 11,2 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái, hơn 179 nghìn hồ sơ được tiếp nhận trên Cổng; tiếp nhận xử lý hơn 6,9 nghìn phản ánh kiến nghị, hỗ trợ, giải đáp hơn 16,6 nghìn cuộc gọi tới tổng đài. Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 06 bộ ngành và 33/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và đã có hơn 3,5 nghìn lượt giao dịch thành công.

Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bà Caitlin Wiesen nêu bốn ưu điểm của việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, đó là an toàn hơn, tiện lợi hơn cho người dân, giảm bớt đi lại do đó giảm ô nhiễm môi trường, và giảm cơ hội tham nhũng. Bà Wiesen cho biết: "Quản trị điện tử và chuyển đổi số càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tôi đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam ở cấp cao nhất trong việc thực hiện quản trị điện tử và chuyển đổi số. Sự tham gia của người dân giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng quản trị điện tử''.

Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudie nhấn mạnh nỗ lực hợp tác mạnh mẽ của Australia với Việt Nam trong việc thúc đẩy chính phủ điện tử. "Trong những năm qua, Australia đã sát cánh cùng với Việt Nam trong quá trình thúc đẩy quản trị điện tử, chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ cả hai phía. Tôi rất ấn tượng với những gì Việt Nam đã đạt được và rất vui được tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong nỗ lực này".

Tại hội nghị, các bộ ngành tham gia đã giới thiệu dịch vụ công trực tuyến đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ gia đình, thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp, Cách thực hiện tra cứu, nộp phạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.