Nguồn thông tin từ tienphong.vn: Trong vòng chưa đầy một tuần, tỉnh Kon Tum của Tây Nguyên ghi nhận 5 trận động đất nhỏ. Riêng trong ngày 15/4, hai trận động đất cũng xảy ra tại đây. Trận động đất lúc 10 giờ 43 phút 50 giây (giờ Hà Nội) có độ lớn 2.6, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km xảy ra tại khu vực huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Chỉ trước đó hơn 30 phút, một trận động đất có độ lớn 2.8 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Một trận động đất khác xảy ra vào lúc 00 giờ 14 phút 34 giây (giờ Hà Nội) ngày 14/4 tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum với độ lớn 2.8 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.752 độ vĩ Bắc, 108.107 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 9.8 km. Ngày 13/4 xảy ra tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũng xảy ra một trận động đất với độ lớn 2.6, độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.
Trận động đất lớn nhất tại Kon Tum thời gian gần đây là trận động đất ngày 4/4 với độ lớn 3,6 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cho biết, các trận động đất trên đều xếp vào nhóm động đất nhỏ, ít có khả năng gây thiệt hại về người và của. Trung tâm vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Tây Nguyên là khu vực ít ghi nhận các trận động đất so với các khu vực khác như Tây Bắc. Vì vậy, các trận động đất liên tiếp thời gian qua cho thấy sự trỗi dậy của đứt gãy chạy qua khu vực này.
Thông tin từ vov.vn cũng cho biết, theo ghi nhận của các chuyên gia, Tây Nguyên là khu vực ít ghi nhận các trận động đất so với các khu vực khác như Tây Bắc. Tuy nhiên, khu vực này cũng nằm trên các đứt gãy, trong đó có thể kể tới các đứt gãy Sông Pô Cô, Ia SirSông Ba, M'Đrắc-Cát Tiên, Đơn Dương-Di Linh, Krông Năng-Tuy Đức, Kon Plông-Măng Yang, Tu Mơ Rông-Đắk Hà, Kon Tum-Đắk Đoa, Pleiku-Cư Mgar, Cư Yut-Đắk Rlấp, Kon Plông-Kon Rẫy… Các chuyên gia cũng đặt ra nghi vấn, với việc liên tiếp xảy ra động đất tại Kon Tum (Tây Nguyên) có hay không sự trỗi dậy của các đứt gãy chạy qua khu vực này.