Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thái Bình: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, bình quân mỗi năm tỉnh Thái Bình tạo việc làm mới cho trên 30 nghìn người/năm. Từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình đã đã phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân.

Hiệu quả từ chương trình vay vốn giải quyết việc làm

Tại cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu Tây An ( xã Tây An, huyện Tiền Hải) do bà Phạm Thị Ngắn làm chủ, từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hơn 630 triệu đồng vay từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, đến nay cơ sở đã tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động nông thôn với thu nhập bình quân ba triệu đồng/người/tháng. Bà Ngắn cho biết, với số vốn vay nêu trên, bà đã đầu tư máy móc, nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Hiện tại, sản phẩm của cơ sở đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều mặt hàng đã xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản... tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.

Năm 2003 để mở rộng hoạt động sản xuất, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) do anh Lại Văn Điệp làm chủ doanh nghiệp cũng đã vay 300 triệu đồng từ quỹ vay vốn quốc gia giải quyết việc làm thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên xã. Từ nguồn vốn vay ban đầu, sau nhiều năm hoạt động đến nay doanh thu của Công ty đạt trên 5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí mỗi năm lợi nhuận Công ty đạt 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 14 lao động là người khuyết tật với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng. Anh Điệp tâm sự, là người tàn tật nên việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. May mắn với Công ty, nhờ nguồn vốn quốc gia giải quyết việc làm Công ty đã đầu tư máy móc, nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Hiện tại các mặt hàng đồ gỗ của Công ty đã có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, trong đó có người khuyết tật…

Thái Bình: Nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

Nhiều lao động tỉnh Thái Bình đã được tạo việc làm tại chỗ trong các khu công nghiệp của tỉnh

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội Thái Bình, tính từ năm năm 2003 đến hết tháng 6/2019, , tổng dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm đạt 93,359 tỷ đồng với 2.902 khách hàng đang vay vốn. Để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố đã phối hợp với ngành LĐ-TB&XH, các tổ chức, đoàn thể, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn, quản lý nguồn vốn cho vay, đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, cho vay giải quyết việc làm cho các hộ, nhóm hộ… Nhờ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh lân cận để thu hút lao động vào các khu công nghiệp

Nhờ thực hiện nhiều giải pháp giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, thời gian qua, bình quân mỗi năm tỉnh Thái Bình tạo việc làm mới cho trên 30 nghìn người/năm. Để có được kết quả đó, tỉnh đã đẩy mạnh liên kết với các tỉnh lân cận để thu hút lao động vào các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị giới thiệu Luật lao động, Quản lý lao động nước ngoài làm việc ở doanh nghiệp; giới thiệu, tuyển dụng lao động, gắn kết với Hiệp hội doanh nghiệp... Các cơ sở đào tạo cũng thường xuyên liên hệ để nắm bắt nhu cầu và sẵn sàng liên kết đào tạo ngay tại doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cung ứng lao động cho nước ngoài, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tư vấn cho phụ huynh lao động tại các huyện, vừa tạo sự lan tỏa của các chương trình vừa giúp lao động hiểu được văn hóa và nêu cao ý thức trách nhiệm lao động. Sở LĐ-TB&XH cũng quản lý chặt chẽ, chỉ cấp giấy giới thiệu cho đơn vị liên hệ, tuyên truyền tuyển dụng lao động xuất khẩu khi có giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH và có đơn hàng đã được Cục Lao động ngoài nước thẩm định. Do vậy, lao động của Thái Bình tham gia xuất khẩu thường ít gặp phải rủi ro và luôn có ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của nước sở tại.

Hiện Thái Bình cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp trong nông nghiệp và nhiều tập đoàn lớn như: Trường Hải, Lộc Trời, TH… đang từng bước triển khai dự án trên địa bàn. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Thái Bình đang mở ra những cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với sự phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Tới đây, tỉnh sẽ kêu gọi các nhà đầu tư lớn, dự án có trình độ kỹ thuật công nghệ cao hơn... nên các cơ sở đào tạo nghề phải bám sát nhu cầu thực tiễn để đưa ra kế hoạch đào tạo phù hợp. Sở cũng đã thống nhất với nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tạo mọi thuận lợi trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm các chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, thực hiện đầy đủ chế độ với người lao động thông qua thỏa ước hoặc hợp đồng lao động và các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội...