Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thái Nguyên: Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự đi vào cuộc sống

(Dân sinh) - Sau 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở Thái Nguyên đã thực sự đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm bù đắp thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên, mỗi năm, trung bình tại Thái Nguyên có 4.000 - 8.000 lao động được hưởng chế độ BHTN, trong đó 10 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận và lập hồ sơ giải quyết BHTN cho 6.627 người lao động trên địa bàn tỉnh.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, đổi mới mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục BHTN

Trong những năm gần đây, Thái Nguyên đang có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, với sự hình thành của 6 khu công nghiệp và các cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.638 ha. Hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 4.976 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động không ngừng tăng cao, đặc biệt nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp, tính riêng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các doanh nghiệp phụ trợ thì nhu cầu tuyển dụng mỗi năm hơn 10.000 người, đến nay giải quyết việc làm cho hơn 70.000 lao động. Chính vì vậy, việc tuyên truyền thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn đã và đang được Trung tâm Dịch việc làm Thái Nguyên (Sở LĐ-TBXH tỉnh Thái Nguyên) triển khai rộng rãi, dưới nhiều hình thức, đảm bảo số lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN hiểu đầy đủ ý nghĩa, nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia BHTN theo quy định.

Thái Nguyên: Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự đi vào cuộc sống  - Ảnh 1.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên, trung bình mỗi năm, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ, lập thủ tục giải quyết chế độ BHTN cho từ 4.000-8.000 người. 100% người lao động đến thực hiện thủ tục BHTN tại Trung tâm được tư vấn các chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp thông qua tư vấn trực tiếp và Hội nghị tuyên truyền, trực tiếp đối thoại về thực hiện chính sách BHTN. Tính đến hết tháng 9/2019, Trung tâm đã tổ chức 21 Hội nghị tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng tìm kiếm việc làm cho 5.712 người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp tuyên truyền tại 37 Phiên giao dịch việc làm lưu động ở các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh cho người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương. Tổ chức Hội nghị đối thoại về tình hình thực hiện Luật Việc làm cho đối tượng là người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Đặc biệt, Trung tâm đã thực hiện tuyên truyền chính sách BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, qua website: vieclamthainguyen.gov.vn và tuyên truyền trực quan: pano, áp phích, băng rôn, tờ rơi…, tuyên truyền lưu động tại các khu công nghiệp, nơi đông dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 

 Đặc biệt, Trung tâm đã đổi mới mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục BHTN. Trước đó, từ tháng 2/2019, Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục BHTN theo mô hình một điểm đến. Theo mô hình này, người lao động đến giao dịch chỉ cần đến một điểm, tại đây, người lao động được cán bộ nhân viên của Trung tâm đón tiếp, nắm bắt nhu cầu, tư vấn và giải quyết theo nguyện vọng của người lao động về chính sách, pháp luật lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Với mô hình một điểm đến, người lao động

được tiếp cận với môi trường làm việc khoa học, thuận tiện, hạn chế việc đi lại nhiều lần, qua nhiều nơi, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị.

Theo bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên, có được những kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Việc làm; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Lao động  – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên; sự phối hợp của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự vào cuộc của địa phương, đặc biệt là các Phòng LĐ- TB&XH các huyện, thành phố, thị xã, sự đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh. Có thể nói trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp đã được đặc biệt quan tâm ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo nhiều kênh thông tin để người lao động người sử dụng lao động có thể được tiếp cận thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp như: Tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên không ngừng cải tiến phương pháp làm việc, đổi mới mô hình tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về bảo hiểm thất nghiệp.  Kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và đổi mới mô hình tiếp nhận, giải quyết chính sách BHTN đã nâng cao hiểu biết, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến giao dịch về việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp; được xã hội đánh giá đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

BHTN - "điểm tựa" vững chắc cho người lao động

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chính sách mới và là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, nhưng quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ, đề nghị và tham mưu giải quyết các chế độ BHTN cho 6.627 người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tăng so với cùng kỳ năm 2018 là trên 10%. Trong đó chủ yếu là lao động dưới 35 tuổi, ở các nhóm ngành nghề như điện, điện tử, may mặc. Người hưởng thất nghiệp chủ yếu là không có bằng cấp, chứng chỉ. Người lao động đa phần chấm dứt hợp đồng trước thời hạn vì lý do cá nhân, chiếm 80% so với tổng số lao động hưởng BHTN.

Thái Nguyên: Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự đi vào cuộc sống  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp phỏng vấn lao động tại Phiên giao dịch việc làm Thái Nguyên 2019

Theo bà Phạm Như Thùy, với số lượng lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên để đề nghị giải quyết chế độ BHTN ngày càng đông, tuy nhiên công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động vẫn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ. Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đến đề nghị giải quyết chế độ BHTN thông qua các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, vị trí việc làm trống trong tỉnh và ngoài tỉnh, tư vấn các việc làm phù hợp với trình độ, nguyện vọng của người lao động với phương châm người lao động sớm tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động, góp phần giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Kết quả 10 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức tư vấn, cho 24.912 lượt người, giới thiệu việc làm cho 2.597 lao động vào các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm đã đề nghị giải quyết chế độ hỗ trợ học nghề cho 443 người thất nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2019, giúp người lao động có cơ hội được học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp và thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm việc làm mới. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính trong công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến giao dịch tại Trung tâm, giải quyết các chế độ BHTN theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, đúng chế độ và thời hạn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Phạm Như Thùy cho biết: Điểm nổi bật nhất trong chính sách BHTN không phải là việc trợ cấp cho người lao động mà là trao cho họ cơ hội học nghề, lựa chọn nghề nghiệp mới, phù hợp để sớm tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống, thực sự trở thành "điểm tựa" vững chắc cho người lao động. Tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tổ chức Sàn giao dịch việc làm gắn liền với thực hiện chính sách BHTN để tạo thành quy trình cung - cầu lao động khép kín. Người lao động sau khi được định hướng nghề nghiệp, có thể tìm kiếm công việc mới ngay tại sàn giao dịch việc làm.

"Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, khuyến khích người lao động tham gia chính sách BHTN, tổ chức tốt công tác tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động. Đồng thời, tăng cường kết nối thông tin với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhằm cung cấp đa dạng thông tin vị trí việc làm, giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với bản thân, hạn chế tình trạng thất nghiệp, tìm được việc làm, góp phần ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tích cực liên hệ với các cơ sở đào tạo nghề tổ chức đào tạo nghề cho lao động là người thất nghiệp, nhằm giúp người lao động học nghề mới, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm việc làm sau đào tạo. Tăng cường kết nối dữ liệu với Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Nguyên trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; đồng thời phát hiện các trường hợp người lao động có việc làm nhưng chưa khai báo kịp thời với Trung tâm trong thời gian hưởng BHTN, kịp thời đề nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động"- bà Phạm Như Thùy nhấn mạnh.