Ngày 29/8, tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết đang tích cực, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão Podul (cơn bão số 4).
Cụ thể, tại vùng biển Thanh Hóa có 2.969 phương tiện với 10.781 lao động; tại vùng biển các tỉnh có 870 phương tiện với 5.650 lao động.
Từ ngày 27/8 đến 13h ngày 28/8, tất cả các phương tiện đều đảm bảo thông tin liên lạc bình thường và nắm bắt được thông tin, vị trí, hướng đi của cơn bão. Tuy nhiên, từ 13h ngày 28/8, còn 3 phương tiện với 27 lao động là ngư dân của huyện Hậu Lộc, xuất bến từ Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) hiện chưa có thông tin liên lạc cụ thể vào bờ.
Các phương tiện bao gồm: Phương tiện TH 92688TS, công suất 820CV do ông Nguyễn Văn Quang trú tại xã Hòa Lộc làm chủ; phương tiện TH93869TS, công suất 820CV do ông Nguyễn Văn Dự trú tại xã Hòa Lộc làm chủ; phương tiện TH93738, công suất 820CV do ông Phạm Văn Sơn trú tại xã Hòa Lộc làm chủ.
Ngoài 3 phương tiện trên, đến thời điểm hiện tại, tất cả các phương tiện còn lại đều đảm bảo thông tin liên lạc với bờ bình thường.
Để đảm bảo công tác phòng tránh bão số 4, ngày 28/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra Công điện khẩn số 14 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phổ; Giám đốc các ở, ngành cấp tỉnh; Giám đốc các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Thanh Hóa khẩn trương triển khai thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.
Thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyến và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại và không được để người ở lại trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản; tổ chức hướng dẫn đảm bảo an toàn cho khách du lịch dọc ven biển, các hoạt động kinh tế trên biển, ven biển. Tổ chức cấm biển từ 5h ngày 29/8 đến khi bão suy yếu và tan dần.
Huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện để thu hoạch ngay diện tích lúa mùa đã chín từ 80% trở lên, với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông, bãi sông, vùng trùng thấp, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Riêng khu vực ven biển, cửa sông phải rà soát và chuẩn bị sẵn sàng sơ tán dân theo phương án đã lập khi có lệnh.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các trọng điểm xung yếu, các cống dưới đê. Chỉ đạo vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn.
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng; chủ động thực hiện tiêu nước đệm, giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải chủ động vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu. Ngành Điện lực ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu, cống tiêu; đồng thời rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện.
Chuẩn bị lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân.
Kiểm tra cụ thể phương án "4 tại chỗ", trong đó chú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiện cứu nạn để phòng trường hợp mưa, lũ gây chia cắt dài ngày.
Đảm bảo thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động xuống các địa bàn được phân công phụ trách để chi đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Trước đó, đầu tháng 8/2019, mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu sau cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là 2 huyện Quan Sơn, Mường Lát khiến 16 người chết và mất tích (Quan Sơn 13, Mường Lát 3), ước tính thiệt hại khoảng 914 tỷ đồng.