Theo hồ sơ quản lý, tỉnh Thanh Hóa có tổng số gần 6 vạn liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, phần lớn chưa có thông tin mộ hoặc chưa xác định được danh tính liệt sĩ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang cấp tỉnh quản lý, 23 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện và 5 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã, với tổng số mộ liệt sĩ là: 10.228 mộ; trong đó có 5.668 mộ liệt sĩ đầy đủ thông tin, 1.535 mộ liệt sĩ có một phần thông tin và 3.025 mộ liệt sĩ chưa biết thông tin.
Xác định việc nắm, khảo sát thông tin về mộ liệt sĩ là khâu rất quan trọng, mùa khô 2018 - 2019, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 515 tỉnh) đã xây dựng kế hoạch, tổ chức lượng, phương tiện vừa tiến hành quy tập vừa tổ chức khảo sát, nắm thông tin về mộ liệt sĩ ở Lào và trong nước.
Tại Lào, Đội tìm kiếm đã tìm kiếm, cất bốc được 18 hài cốt liệt sĩ đưa về nước an táng; riêng ở trong nước, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban CHQS các huyện: Nông Cống, Tĩnh Gia, Bá Thước, Triệu Sơn, Thọ Xuân, cất bốc 9 hài cốt, trong đó có 3 liệt sĩ có đầy đủ thông tin, đạt 225% chỉ tiêu so với kế hoạch xác định. Đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức đi bàn giao 2 hài cốt có đầy đủ thông tin cho huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; 7 hài cốt liệt sĩ còn lại bàn giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận, tổ chức an táng vào các nghĩa trang liệt sĩ địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, trong công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ ở nhiều địa bàn trong và ngoài nước thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ rất hạn chế; Số lượng hài cốt liệt sĩ đủ điều kiện để lấy mẫu sinh phẩm càng ngày càng ít trong khi đó yêu cầu về giám định xác định danh tính hài cốt liệt sĩ của thân nhân liệt sĩ ngày càng cao, vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ; Đối tượng lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ để đối chứng tuổi cao, sức yếu, không ít trường hợp không còn; Việc phối hợp giữa các ngành, tổ chức đoàn thể chưa chặt chẽ về cung cấp thông tin, phối hợp giám định; Các nghĩa trang liệt sĩ trước đây được di chuyển nhiều lần tới nhiều vị trí khác nhau.
Trong quá trình di chuyển một số mộ bị thất lạc thông tin, việc di chuyển nhiều cũng dẫn hết sự nhầm lẫn giữa các hài cốt và chất lượng hài cốt để giám định không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Giai đoạn 2016 – 2019, tỉnh Thanh Hóa đã tìm kiếm, qui tập được 131 mộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 81 mộ được qui tập tại tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, đưa về nước an táng trang nghiêm, trọng thể, đúng nghi lễ; Đến nay 100% các huyện trong tỉnh đã tổ chức hội nghị kết luận địa bàn và đang hoàn thiện phần lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để báo cáo Ban chỉ đạo 515 cấp tỉnh.
Ông Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay nhiều đơn vị trong chiến tranh đã sáp nhập hoặc giải thể. Các địa danh trong chiến tranh nay đã đổi tên, địa hình nên việc tìm kiếm để xác minh thông tin liệt sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Do đặc điểm tính chất của chiến tranh các liệt sĩ hầu như không có mộ xảy ra trên nhiều địa bàn. Với sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh các địa danh, địa vật có nhiều thay đổi, trong khi đó trước kia việc quy tập hài cốt liệt sĩ được giao cho nhiều đơn vị, việc lập hồ sơ quy tập cũng chưa được chú trọng, có các nghĩa trang liệt sĩ không có hồ sơ quy tập hài cốt liệt sĩ mà chỉ quản lý tên liệt sĩ trên danh sách, thông tin mộ liệt sĩ chưa đầy đủ và không cụ thể rõ ràng, thiếu chính xác.
Điều này gây khó khăn rất nhiều trong công tác xác minh thông tin để trả lại tên cho liệt sĩ. Chiến tranh đã qua hơn 40 năm, các liệt sĩ hy sinh đã lâu, hài cốt của nhiều liệt sĩ đã bị mục nát hư hao, nhiều trường hợp hài cốt còn rất ít, thậm chí là chỉ còn di vật, vì vậy nên không thể giám định ADN được dẫn đến việc xác định được danh tính của liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, không xác định được danh tính điều này gây bức xúc đối với gia đình liệt sĩ…"- ông Huệ nói.
Để công tác xác định danh tính hài côt liệt sĩ có hiệu quả, ông Huệ cũng kiến nghị: "Việc lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ theo nguyện vọng của gia đình được thực hiện theo Công văn số 600/NCC-LTHS ngày 21/6/2012 của Cục Người có công, trên thực tế kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2016-2018 còn quá ít, chỉ đạt 8,1%. Do đó, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn việc thực hiện giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan được giao thực hiện quy trình lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, tuy nhiên cán bộ chuyên môn lại không có chuyên môn trong việc thẩm định và lấy mẫu hài cốt, do đó, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần quy định thực hiện lấy mẫu hài cốt liệt sĩ có sự phối hợp giữa cơ quan Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan pháp y cùng cấp tiến hành lấy mẫu hài cốt liệt sĩ đảm bảo yêu cầu giám định" – ông Huệ nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các địa phương thực hiện lấy mẫu sinh phẩm đối với 2.057 mộ liệt sĩ còn thiếu và chưa biết thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ trong địa bàn tỉnh; tiếp tục thu thập thông tin, xác minh, khớp nối cập nhật, bổ sung thông tin về 1.535 mộ liệt sĩ có một phần thông tin đang an táng tại các Nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh và hài cốt liệt sĩ mới tìm kiếm, quy tập bằng phương pháp thực chứng và phương pháp giám định gen…