Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Thanh Hóa: Người dân lao đao vì Công ty nợ tiền mía

(Dân sinh) - Sau khi thu hoạch mía và bán mía nguyên liệu cho Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống đã hơn 6 tháng, thay vì được nhà máy thanh toán tiền, hiện tại nhiều hộ dân ở xã Công Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vẫn phải “trầy trật” đi gõ của các cơ quan chức năng để cẩu cứu.

Theo phản ánh của người dân xã Công Chính cho biết, hàng trăm hộ dân xã Công Chính lâu nay thuê đất của Nông trường Yên Mỹ, nay sát nhập là Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng Công nghệ cao Nông nghiệp và Thực phẩm sữa Yên Mỹ (gọi tắt là Công ty Yên Mỹ) để trồng mía với giá hơn 3,3 triệu đồng/ha/năm. Ngày 25/6/2018, Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống ký 5 hợp đồng với 5 người chủ hợp đồng là đội trưởng các đội sản xuất đại diện cho các hộ dân trồng mía xã Công Chính về việc trồng và thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019. Sau khi vụ ép kết thúc, công ty sẽ thanh toán tiền cho 5 chủ hợp đồng trên để các chủ hợp đồng này thanh toán lại cho người dân.

Thanh Hóa: Người dân lao đao vì Công ty nợ tiền mía - Ảnh 1.

Đã hơn 6 tháng nhưng người dân xã Công Chính vẫn chưa được Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống thanh toán tiền bán mía

Theo biên bản hợp đồng đã được ký kết, sau khi thu hoạch mía kết thúc từ 7 đến 10 ngày, phía Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống sẽ phải làm các thủ tục thanh toán tiền cho người trồng mía. Thế nhưng từ sau ngày kết thúc thu hoạch mía ngày 4/4/2019 đến nay Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống vẫn khước từ thanh toán số tiền 2,9 tỷ đồng như hợp đồng đã thỏa thuận.

Thanh Hóa: Người dân lao đao vì Công ty nợ tiền mía - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống trao đổi sự việc với phóng viên

Ông Mai Xuân Nam, 1 trong 5 người đại diện cho các hộ dân trồng mía ký hợp đồng với Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống bức xúc cho biết: Kết thúc vụ thu hoạch mía năm 2019, nhiều lần chúng tôi cùng với người dân đã ra gặp giám đốc công ty mía đường Nông Cống nhưng vẫn không được thanh toán. Phía công ty có đưa lý do trước đây Công ty Yên Mỹ đang nợ họ số tiền hơn 2 tỷ đồng, khi nào lấy được tiền đó thì họ sẽ trả tiền mía cho dân. Trong khi đó, chúng tôi không dính dáng gì đến nợ của Công ty Yên Mỹ, việc đó là việc của 2 công ty, còn chúng tôi không liên quan gì" – ông Nam bức xúc cho biết.

Một trong số 5 hợp đồng Công ty cồ phần mía đường Nông Cống ký với chủ hợp đồng đại diện cho người dân

Ông Nguyễn Bá Hoàng, một chủ hợp đồng khác đại diện cho các người dân trồng mía xã Công Chính cho biết thêm: "Các hộ gia đình đã phải thuê đất của nông trường với giá cao để trồng mía, bỏ tiền túi ra thuê nhân công, đầu tư phân bón, giống… nhưng cuối cùng vẫn không được thanh toán đã khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Hầu hết đều trông chờ vào tiền bán mía, trong khi đó tiền vẫn phải đầu tư mà tiền bán thì chưa nhận được".

Biên bản xác nhận công nợ của Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống với các chủ hợp đồng đại diện cho người dân

Trao đổi sự việc này, ông Nguyễn Trọng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn mía đường Nông Cống cho biết: Việc công ty nợ 2,9 tỉ đồng tiền mua mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019 là có thật. Vụ mía 2018-2019, chúng tôi có nợ Công ty Yên Mỹ tiền mua mía nguyên liệu 2,9 tỉ đồng nhưng công ty này cũng đang nợ chúng tôi 2,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ 2,9 tỷ này là nợ của Công ty Yên Mỹ chứ chúng tôi không nợ người dân trồng mía. Sau khi đối trừ công nợ, chúng tôi có nợ Công ty Yên Mỹ 700 triệu đồng và bên đó cũng đã lấy một nửa, hiện chỉ còn nợ khoảng 300-400 triệu đồng thôi" - ông Hải nói.

Thanh Hóa: Người dân lao đao vì Công ty nợ tiền mía - Ảnh 5.

Chuẩn bị đến vụ ép mới nhưng tiền bán mía nguyên liệu cũ của người dân vẫn Công ty được thanh toán.

Khi được hỏi trong hợp đồng Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống ký trực tiếp với đại diện các hộ dân, tại sao công ty lại không trả tiền trực tiếp cho họ, ông Hải lý giải: "Năm chủ hợp đồng trên là đội trưởng các đội sản xuất của Công ty Yên Mỹ, được công ty này ủy quyền ký hợp đồng với nhà máy. Công ty Yên Mỹ mà trước đây là nông trường Yên Mỹ giao khoán đất cho người dân để sản xuất. Vì thế, chúng tôi sẽ trả tiền cho Công ty Yên Mỹ và công ty này có trách nhiệm trả tiền cho người dân" – ông Hải thông tin.

Ông Hải cũng cho biết thêm, do thời điểm hiện tại phía Công ty mía đường Nông Cống đang gặp khó khăn, nếu Nông trường Yên Mỹ mà không sát nhập thành công ty hai thành viên, diện tích đất trồng mía nguyên liệu không bị giảm chúng tôi vẫn khoanh nợ, không thu hồi công nợ, tiếp tục đầu tư và trả tiền đủ cho người dân. Tuy nhiên đến nay diện tích trồng mía nguyên liệu bị giảm, phía công ty Yên Mỹ lại sát nhập mới nên Công ty cổ phần mía đường Nông Cống buộc phải thu hồi công nợ.

Trong khi đó, ông Mai Văn Nho, trước đây là Giám đốc nông trường Yên Mỹ, hiện là Phó giám đốc Công ty Yên Mỹ cho biết: Khoản nợ 2,2 tỷ với nhà máy đường là đúng. Người dân thuê đất của Công ty Yên Mỹ trồng mía và ký hợp đồng mua bán nguyên liệu mía với Công ty Đường Nông Cống là hợp đồng dân sự giữa 2 bên, không liên quan đến Công ty Yên Mỹ. Còn số tiền nợ 2,2 tỷ đồng từ nhiều năm trước, Công ty Yên Mỹ đã chốt khoanh nợ và có lộ trình trả nợ cho Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống. Việc Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống giữ tiền mía lại không thanh toán, công ty Yên Mỹ không hợp đồng với công ty đường, mà đại diện các hộ hợp đồng trực tiếp thôi. Đến kỳ không thanh toán cho các hộ mà yêu cầu trừ nợ trước đây qua ấn trừ tiền mía của bà con rồi mới thanh toán, thế bà con không thống nhất vì bà con không nợ, việc nợ của 2 công ty thì 2 công ty làm việc với nhau để thu hồi công nợ, cần thiết căng thẳng quá thì đưa ra tòa giải quyết còn đối với các hộ dân không có nợ thì Công ty Đường Nông Cống phải thanh toán ngay" – ông Nho thông tin.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: "Trước những bức xúc của người dân phản ánh, tại buổi làm việc ngày 3/10 có đại diện chính quyền huyện Nông Cống, người dân xã Công Chính và phía hai công ty để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người dân. Tuy nhiên tại buổi làm việc hai công ty vẫn không tìm được tiếng nói chung. Quan điểm của huyện là người dân không nợ, do đó phải thanh toán tiền cho người dân. Hai công ty phải có phương án báo cáo Hội đồng quản trị để tìmtiếng nói chung. Chậm nhất đến ngày 30/11 phải có tiền thanh toán cho người dân" – ông Tuấn nói.