Năm 2019, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hoá đã có những bước đột phá về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và đã vượt kế hoạch đề ra như: Chỉ tiêu đào tạo nghề, chỉ tiêu giải quyết việc làm, chỉ tiêu giảm nghèo. Các hoạt động cứu trợ xã hội và chăm lo đời sống của đối tượng chính sách đảm bảo kịp thời, đúng quy định, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Tạo việc làm mới cho hơn 69.000 lao động
Nổi bật là công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác đào tạo nghề đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và kết nối giải quyết việc làm; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực đưa giáo viên, học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp tại một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Mặt khác, để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hoá chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung ứng lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động.
Năm 2019, các chỉ tiêu quan trọng của ngành lao động về lĩnh vực lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho trên 69.000 lao động, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là trên 10.000 người; có 3/5 huyện, thành phố được đưa ra khỏi danh sách bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc; tổ chức thành công 45 phiên giao dịch việc làm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo mới cho khoảng trên 83.000 học sinh. Công tác đào tạo nghề cho đối tượng đặc thù được duy trì, bảo đảm tiến đúng độ, chất lượng đào tạo được nâng lên. Quan hệ lao động trong các loại hình doanh nghiệp được duy trì ổn định và cải thiện tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, góp phần ổn định thu nhập và đời sống của người lao động.
Nâng cao chất lượng chăm sóc người có công
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hoá Trịnh Ngọc Dũng cho biết: "Năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hoá đã chi trả trợ cấp ưu đãi đầy đủ, kịp thời, đúng quy định cho hơn 77.000 người có công; giải quyết chế độ, chính sách mới cho 6.654 người có công và thân nhân, thực hiện chính sách ưu đãi cho các gia đình thân nhân liệt sĩ, tuất thương, bệnh binh, chế độ mai táng phí, trợ cấp ưu đãi học sinh, sinh viên v.v… tiếp nhận, giải quyết cấp lại thẻ thương binh, bệnh binh, và di chuyển hồ sơ người có công cho hang trăm trường hợp; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hoá cấp, đổi Bằng Tổ quốc ghi công cho hang nghìn trường hợp; bàn giao Bằng Tổ quốc ghi công để các địa phương trao tặng cho các gia đình liệt sĩ; thẩm định, chuyển hang nghìn hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Huân chương độc lập, cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công và giám định chất độc hóa học"
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nên lên những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Theo đó, toàn ngành phấn đấu tạo việc làm mới cho trên 69.000 lao động; tuyển sinh đào tạo nghề cho 86.700 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2019 từ 2,26% trở lên; bảo đảm 100% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú...
Giám đốc Trịnh Ngọc Dũng nhấn mạnh: "Để đạt được các chỉ tiêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hoá tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề của người lao động phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của tỉnh. Cải thiện, nâng cao mức sống người có công, bảo đảm 100% người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em. Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá".
Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội
Năm 2019, công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo kết quả rà soát năm 2019, toàn tỉnh đã có 25.259 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm 2,57% vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay còn 32.230 hộ nghèo, chiếm 3,27%. Công tác đảm bảo đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, các đối tượng và hộ gia đình được hưởng trợ cấp, trợ giúp thường xuyên hằng tháng.
Năm 2020, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá; thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp; huy động đa dạng các nguồn lực để chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách về giải quyết việc làm, phấn đấu giải quyết việc làm cho trên 69.000 lao động. Đẩy mạnh thực hiện việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phấn đấu tuyển mới đào tạo nghề cho 81.540 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 67% .
Thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, cải thiện quan hệ lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố có hòa giải viên lao động; 100% doanh nghiệp đang hoạt động tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động; 100% các doanh nghiệp thực hiện chi trả lương cho người lao động đúng quy định; nâng tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt từ 23-27%. Thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội, đảm bảo 100% đối tượng đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định; 88% người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội; thực hiện kịp thời các hoạt động cứu trợ đột xuất cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hoả hoạn và dịch bệnh.
Tạo lập môi trường sống an toàn, lạnh mạnh, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 4,5%, nâng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp lên 90% và 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực được can thiệp, trợ giúp kịp thời; nâng tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em lên 90%; vận động nguồn kinh phí cho Quỹ Bảo trợ trẻ em đạt từ 2 tỷ đồng trở lên. Tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách, pháp luật có liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp tỉnh, huyện và 50% cán bộ làm công tác bình đẳng giới cấp xã; 40% người dân ở các cụm dân cư được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; đảm bảo bình đẳng của phụ nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình, tỷ lệ mỗi giới trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt tối thiểu 50%. Thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đảm bảo chế độ chính sách cho 100% người có công, có 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.