Trước khi giã biệt cuộc đời ngày 24/6/2015, GS.TS Trần Văn Khê đã tiến hành lập vi bằng về Di nguyện của ông, trong đó có việc thành lập Quỹ Học bổng để khuyến khích những học sinh, nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.
Sau một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, từ năm 2019, nhóm thân hữu Trần Văn Khê đã nhận được sự hợp tác tâm huyết và mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Đại học Văn Lang chịu trách nhiệm thành lập Quỹ Học bổng theo di nguyện của cố GS.TS Trần Văn Khê.
Sau 4 lần điều chỉnh hồ sơ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê cuối cùng cũng đã được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh trong sự mong đợi và vui mừng của rất nhiều người (Quyết định cấp Giấy phép thành lập số 680/QĐ-UBND cùng việc Công nhận Điều lệ Quỹ Học bổng Trần Văn Khê ngày 1/3/2021 và Quyết định Công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động kèm theo công nhận Danh sách thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ, số 1310/QĐ-UBND ngày 15/4/2021).
Quỹ Học bổng Trần Văn Khê được thành lập đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS.TS Trần Văn Khê là một việc làm rất có ý nghĩa. GS Trần Văn Khê trọn một đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy sâu rộng ra thế giới giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.
Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của GS Trần Văn Khê đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đàn ca tài tử Nam bộ…
Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc dài hơn 60 năm của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương Bội tinh hạng Nhất của chính phủ Việt Nam Cộng hòa (trước năm 1975), Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993), Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch Nước cấp (1999), Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)…
Gần mười năm cuối đời, Giáo sư Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại Việt Nam. Từ hàng chục nghìn cuốn sách, báo, sổ ghi chép, băng từ ghi hình và tiếng cùng nhiều kỷ vật ông mang về sau hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê đã góp phần quan trọng xây dựng Thư viện Trần Văn Khê và một địa chỉ giao lưu văn hóa có giá trị tại ngôi nhà ông sống ở 32 Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quỹ Học bổng Trần Văn Khê (sau đây gọi là Quỹ Trần Văn Khê) hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ. Mục đích của Quỹ là thông qua các hoạt động hỗ trợ, tài trợ, xét trao giải thưởng và học bổng thường niên góp phần cổ vũ việc gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam theo di nguyện của Giáo sư Trần Văn Khê, phù hợp với đường lối văn hóa của Nhà nước Việt Nam.
Các hoạt động của Quỹ Trần Văn Khê từ khi khởi động cho đến nay luôn có sự đồng hành của GS, TS Trần Quang Hải, con trai Giáo sư Trần Văn Khê.
Cũng trong dịp này, Quỹ Trần Văn Khê sẽ tiến hành vận động đóng góp gây quỹ, trong đó có việc bán sách "Trần Văn Khê - Tâm và Nghiệp".