Thống kê của ngành y tế, hiện có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Việc chuyển từ thanh toán viện phí bằng tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ là bước chuyển của ngành y tế để tạo thuận tiện cho cả người bệnh lẫn nhân viên ngành y tế. Bởi thời gian xếp hàng thanh toán viện phí quá dài, luôn là vấn đề bức xúc đối với bệnh nhân và người nhà. Theo Bộ Y tế, hiện quy trình khám bệnh, chữa bệnh và thu lệ phí, viện phí đang áp dụng gồm 6 bước.
Chỉ tính riêng thời gian chờ đợi, xếp hàng để được nộp tiền viện phí, tiền chi phí xét nghiệm, tiền chi trả các hoạt động cận lâm sàng… khoảng 30 phút, đó là thời gian trung bình. Còn những ngày đông bệnh nhân, thời gian sẽ kéo dài hơn, khiến bệnh nhân và người nhà mệt mỏi, bệnh viện cũng phải bố trí thêm cán bộ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí.
Đối với những người bệnh phải thường xuyên vào bệnh viện khám, chữa bệnh thì việc sửa dụng 1 chiếc thẻ đa năng giúp họ giải quyết được nhiều bất tiện bấy lâu nay. Ông Nguyễn Minh Trung, bệnh nhân đang nằm điều trị tại Viện Ung bướu Hà Nội cho biết: "Tôi thấy hình thức thanh toán bằng thẻ này rất tiện lợi. Có thẻ này, tôi không phải mang theo nhiều tiền".
Bà Hoàng Thị Dương (Hải Phòng) chia sẻ, với chiếc thẻ đa năng này, mỗi lần về Hà Nội bà không còn lo lắng mang giấy tờ liên quan đến bệnh án, hay một khoản tiền lớn để khám, điều trị bệnh cũng như chi tiêu mấy ngày ở Hà Nội. "Trước đây mỗi lần đi khám tôi mang theo một tệp giấy tờ liên quan, nhưng nói thật lo nhất là ôm một khoản tiền lớn để trang trải các khoản chi phí trong suốt thời gian ở viện. Đã có không ít bệnh nhân vì xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh, thanh toán viện phí, lợi dụng lúc đông người, người bệnh mệt mỏi, các đối tượng xấu len vào để trộm cắp nên tôi rất lo. Đối với bệnh nhân chúng tôi, khoản tiền mang theo để chữa bệnh ý nghĩa lắm, cả nhà vất vả lao động dành dụm để tôi được chữa bệnh…. Nay có thẻ thanh toán đa năng này thì tiện trăm đường", bà Dương chia sẻ.
Câu chuyện của bà Dương, ông Trung cũng là chia sẻ của nhiều bệnh nhân thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị. Bởi đối với những bệnh nhân phải thường xuyên đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện, giảm được thủ tục hành chính nào, với họ là giảm được gánh nặng lớn.
Tuy nhiên, việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tiện lợi cho những người bệnh phải thăm khám thường xuyên định kỳ và rành công nghệ. Còn đối với những người bệnh đi khám lần đầu và không rành công nghệ thì quả là một khó khăn.
Từ huyện Con Cuông (Nghệ An) ra Hà Nội để khám bệnh, ông Trần Đình Nam lo lắng: "Tôi cũng đã được nhân viên của bệnh viện tư vấn thẻ thanh toán không dùng tiền mặt rất thuận tiện, nhưng tôi chưa dám đăng ký. Những người ở quê ra Thủ đô khám, chữa bệnh không phải lo lắng về việc mang tiền nhiều có thể bị mất cắp. Thế nhưng chúng tôi không rành công nghệ nên vẫn dùng tiền mặt để thanh toán. Nhưng nếu những lần sau tôi đến đây khám, bệnh viện chỉ nhận thanh toán bằng thẻ, không nhận tiền mặt thì không biết xoay xở thế nào".
Lo lắng của ông Nam cũng là lo lắng chung của không ít người bệnh bởi họ chưa quen sử dụng các loại thẻ để thanh toán, bởi hàng ngày họ quen sử dụng tiền mặt để thanh toán tất cả các dịch vụ. Nhất là đối với những bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, việc sử dụng thẻ thanh toán là cả một cuộc "cách mạng".
Khu khám bệnh dịch vụ không dùng tiền mặt của Bệnh viện Bạch Mai nằm trên tầng 4 của Khoa Khám bệnh. So với khu dịch vụ thanh toán bằng tiền mặt thì mật độ bệnh nhân chọn khám ở khu này đông không kém. Có lẽ ai cũng có chung sự lựa chọn trên vì sự tiện lợi, nhanh chóng và đặc biệt không phải xếp hàng như giới thiệu. Tuy nhiên khi trải nghiệm thực tế thì mọi việc lại hoàn toàn trái ngược.
Theo chị H.T.H (Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ, đón tiếp chị ở bàn tiếp đón bệnh nhân là hai cô y tá xinh đẹp trong bộ trang phục y tế trắng muốt, sau khi hỏi nhu cầu muốn thăm khám gì, chị H.T.H chỉ vào cậu con trai cao xấp xỉ 1m9 của mình với nguyện vọng được khám xét, chụp chiếu để biết nguyên nhân vì sao mới 14 tuổi mà đã có chiều cao gần 1m9 như vậy? Chị H.T.H cũng bày tỏ lo lắng con bị mắc một số bệnh gì đó về u tuyến yên, tuyến giáp… hoặc căn bệnh "người khổng lồ" như tìm hiểu trên mạng. Sau một hồi ân cần hỏi han, cô y tá hướng dẫn chị cho con khám nội tiết và chụp cộng hưởng từ tuyến yên với mức chi phí tạm tính là 2 triệu đồng và đề nghị chị H.T.H nộp đủ số tiền mặt đó.
Sau khi nộp số tiền 2 triệu đồng ở quầy đón tiếp, ngay lập tức chị H.T.H được cô ý tá cấp một chiếc thẻ ATM - Thẻ khám bệnh của Viettinbank với số tài khoản 711AE6699367 có tên con trai chị mà không hề có sự lựa chọn nào khác, mặc dù trước đó, khi lựa chọn dịch vụ này chị đã rất tự tin vì dù sao mình cũng có thời gian sống ở thành phố gần 20 năm, có một cái thẻ ATM của Agribank, được cơ quan trả lương vào đó, có sử dụng dịch vụ E-Mobile Banking có thể chuyển khoản trả tiền bất cứ lúc nào. Nhưng thực sự, trong trường hợp này, đi khám bệnh dịch vụ không dùng tiền mặt thì cái thẻ đó ở đây không có tác dụng gì!
Theo cô y tá, trong thẻ ATM của Viettinbank này, ngoài số tài khoản còn là mã số bệnh nhân. Và từ mã số này, các thông tin về khám, chữa, tình trạng bệnh của bệnh nhân sẽ được lưu trữ trong hệ thống của bệnh viện. Lần sau muốn đi khám chữa bệnh, chỉ cần mang chiếc thẻ này đến, bệnh viện sẽ có đầy đủ thông tin của con trai chị.
Sau khi cầm tấm thẻ ATM có đủ số tiền tạm tính ấy, chị H.T.H đưa con ra phía quầy của ngân hàng (ngay sảnh tầng 4 của Khoa khám bệnh) làm các thủ tục thanh toán qua thẻ để vào khám. Lúc ấy cũng tầm 10 giờ sáng, số người xếp hàng tại quầy ngân hàng làm thủ tục rất đông, người làm thủ tục nộp tiền vào tài khoản, người rút tiền, người xin xác nhận để vào phòng khám. Cũng may, các cô nhân viên ngân hàng ưu tiên cho người làm thủ tục vào khám trước nên không phải chờ đợi quá lâu. Nhưng lâu nhất vẫn là xếp hàng chờ trước cửa phòng khám.
Hơn 11 giờ, con trai chị H.T.H được gọi vào, sau khi được Ths, BS Vũ Thùy Thanh tại khoa Nội- Nội tiết 2 thăm khám và chỉ định đi xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ, số tiền 2 triệu đồng trong tài khoản đã hết. Khi bác sĩ chỉ định cho con chị H.T.H đi siêu âm thêm tuyến giáp để biết chính xác có mắc bệnh gì không thì số tiền trong thẻ không đủ để thanh toán thêm, buộc chị H.T.H phải ra bốt ngân hàng ngay đó nộp thêm tiền vào tài khoản mới được chỉ định đi siêu âm.
Đến đây mới là phần gian nan của chị H.T.H. Như đã nói từ đầu, chị chọn cách khám không dùng tiền mặt vì tự tin trong tài khoản cá nhân của mình có tiền. Số tiền cầm theo chỉ là dự trù và cũng chỉ mang theo có đủ từng ấy. Nên giờ đóng thêm tiền mặt vào thẻ khám bệnh của con trai cũng không có, chạy ra ngoài cây ATM rút tiền thì không đủ thời gian khám buổi sáng, chuyển khoản từ thẻ lương của Agribank sang cũng không được.
Bí quá, chị H.T.H gọi cho cô em gái có tài khoản Viettinbank chuyển tiền vào giúp tài khoản trong thẻ khám bệnh, nhưng không hiểu sao loay hoay mãi cô em chị vẫn không thể chuyển tiền vào được vì số tài khoản liên tục bị từ chối, bị báo lỗi. Mang thắc mắc này hỏi cô nhân viên ngân hàng, cô ấy đáp gọn lỏn không thèm nhìn thêm: "Bao nhiêu người chuyển được, mỗi mình nhà chị không chuyển được!"
"Quả thực, chờ đợi thăm khám từ sáng, cộng với không khí nóng bức, mệt mỏi, câu nói của cô nhân viên ngân hàng như gáo nước lạnh dội thẳng vào đầu. Cảm giác hối hận thoáng qua trong đầu tôi khi chọn dịch vụ không thanh toán bằng tiền mặt. Nếu chủ động mang tiền mặt đi và thanh toán ngay từ đầu, tuy có phải chờ đợi một chút nhưng có lẽ mẹ con tôi đã làm xong thủ tục để khám trong buổi sáng, không phải chờ đợi và bực dọc chút nào", chị H.T.H chia sẻ.
Đầu giờ chiều, sau khi nộp thêm tiền mặt vào tài khoản, con trai chị được chỉ định đi chụp tuyến giáp. Sau đó lâu nhất vẫn là quá trình xếp hàng chờ chụp cộng hưởng từ. Thật không may đúng hôm đó, phòng chụp cộng hưởng từ có trục trặc máy móc nên hai mẹ con chị phải chờ đợi đến tận 21 giờ tối mới đến lượt vào chụp. Trong quá trình chụp, con trai chị phải tiêm thuốc cản quang. Các bác sĩ tại phòng chụp viết hóa đơn ghi nợ số tiền hơn 7 trăm nghìn đồng để con chị H được chụp ngay mà không phải chờ đợi sang ngày hôm sau.
Hôm sau đến lấy kết quả, chị H.T.H mang tờ giấy ghi nợ của bác sĩ đi nộp tiền. Hóa ra, không phải nộp số tiền còn thiếu vào tài khoản là được.
Ngay buổi sáng, chị đã chạy đi nộp đủ hơn 7 trăm nghìn đồng (tiền thuốc cản quang) vào tài khoản rồi mang ra phòng bác sĩ nhưng không được. Cô y tá yêu cầu chị H.T.H phải ra nộp lại toàn bộ số tiền chụp cộng hưởng từ và tiêm cản quang là 2.336.000 đồng và giải thích, sau khi khám xong sẽ được rút lại số tiền hơn 1,6 triệu đồng (không có thuốc cản quang) đã nộp trước đó.
Rõ ràng thiếu tiền nộp vào là đương nhiên, nhưng rắc rối ở chỗ sao không nộp phần thiếu là được mà bắt phải nộp đủ lại từ đầu mà không hề có bất cứ thông báo hay quy định nào. Chị H.T.H đã phải chạy đi, chạy lại nộp đủ số tiền mặt vào thẻ mới được lấy kết quả mang đến phòng bác sĩ kết luận.
Không chỉ chị H.T.H mà còn không ít người thường xuyên thanh toán không dùng tiền mặt nhưng khi đến viện lại không thể sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện.
Anh Đoàn Đình Đức (Hà Nội) đang dùng thẻ ATM của Vietcombank với dịch vụ mobile banking rất thuận tiện. Với smartphone có kết nối internet, anh chuyển tiền, nhận tiền mọi lúc mọi nơi. Nhưng vào bệnh viện lại yêu cầu sử dụng thẻ Viettinbank.
"Lâu nay, tôi có thói quen sử dụng thẻ thanh toán thay cho dùng tiền mặt nên không mang nhiều tiền theo người. Thế nhưng, khi vào bệnh viện tôi lại khó khăn khi thanh toán bằng thẻ. Bệnh viện chỉ nhận thanh toán thẻ Viettinbank. Tôi muốn chuyển tiền từ tài khoản Vietcombank sang Viettinbank nhưng bị gián đoạn, không thể thực hiện. Để được khám bệnh, tôi chỉ còn cách duy nhất ra cây ATM rút tiền mặt để nộp vào thẻ Vietinbank như thế thì không còn gì là thuận tiện cho người dân khi thanh toán viện không dùng tiền mặt", anh Đức bày tỏ.
Cũng theo anh Đức, trước đó anh đã được giới thiệu, tư vấn về dịch vụ đi viện chỉ cần một chiếc thẻ nhưng khi vào viện sử dụng dịch vụ mới thấy bất tiện. Bởi, khi đến 1 bệnh viện bệnh nhân lại có thêm 1 thẻ ATM để lưu vào bộ sưu tập thẻ ATM. Bởi hiện chưa có sự liên thông kết nối giữa các ngân hàng, các bệnh viện nên mỗi viện làm 1 thẻ. Cứ đến 1 bệnh viện lại có thêm 1 cái thẻ thanh toán mà có khi mấy năm mới sử dụng một lần, thậm chí chỉ sử dụng một lần trong đời thì rất lãng phí. Nếu đi khám 10 bệnh viện không lẽ phải làm 10 cái thẻ ATM cất vào ví.
Việc chiếc thẻ của bệnh viện có thêm chức năng lưu trữ hồ sơ bệnh nhân, anh Đức cho rằng, bệnh nhân khi đến khám bệnh đều có mã bảo hiểm y tế hoặc chứng minh thư (trẻ em có giấy khai sinh) và hiện các cơ quan đang trong quá trình làm mã số định danh cá nhân.
Anh Đức cho rằng: "Các bệnh viện nên kết nối cơ sở dữ liệu để cập nhật không chỉ bệnh án của bệnh nhân điều trị tại bệnh viện mà liên thông kết quả qua mã số định danh này. Việc thanh toán bằng thẻ không dùng tiền mặt không nên cứng nhắc chỉ độc quyền duy nhất một loại thẻ mà cần kết nối liên thông toàn bộ hệ thống ngân hàng và cho người bệnh nhiều lựa chọn. Có thể thanh toán hay chuyển tiền bằng thẻ ATM của bất kỳ ngân hàng nào, còn bệnh án hệ thống phần mềm của bệnh viện tự động cập nhật. Đó là chưa kể, mỗi thẻ đều phải trả phí tài khoản và một khoản tiền tối thiểu trong thẻ".
Chị Nguyễn Minh Trang (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) lần đầu tiên đến Bệnh viện Bạch Mai để khám kiểm tra sức khỏe. Bảo hiểm y tế của chị đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Yên Bái. Thời gian gần đây, chị Trang hay đau đầu, chóng mặt và sút cân. Dù đã khám ở bệnh viện tỉnh nhưng chị vẫn lo lắng và muốn được kiểm tra ở bệnh viện tuyến đầu để an tâm.
Lần đầu tiên đến bệnh viện Bạch Mai, chị Trang không khỏi choáng bởi sự đông đúc của người bệnh. Đặc biệt, ở khu vực đăng ký thủ tục vào khám bệnh, lúc chị đến viện mới 7h30 sáng nhưng dòng người đã xếp dài để đăng ký.
Sau khi được nhân viên bệnh viện hướng dẫn làm thẻ thanh toán viện phí thay cho dùng tiền mặt, chị Trang đắn đo suy nghĩ, "gọi điện hỏi ý kiến người thân" rồi nhờ cán bộ y tế "tư vấn tại chỗ" nhưng cuối cùng lại quyết định vẫn thanh toán bằng tiền mặt như trước.
"Cả năm, cả đời tôi mới đến đây khám một lần nên làm thẻ mà không sử dụng thì rất lãng phí. Cũng chưa biết tổng chi phí khám chữa bệnh là bao nhiêu để mình nộp tiền vào tài khoản. Nếu nộp thừa không sử dụng hết thì không lẽ mang thẻ về cất vào tủ bởi ở quê việc chi tiêu đều dùng tiền mặt, tiền ở trong thẻ muốn sử dụng phải đi hàng chục cây số mới có điểm rút tiền. Còn không, lại mất công xếp hàng một lần nữa ở bệnh viện để được lấy lại tiền thừa trong tài khoản", chị Trang nói.
Bà Trịnh Thị Thuận, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện triển khai mô hình thanh toán viện phí qua thẻ ATM từ khá sớm, cho biết: "Do số lượng bệnh nhân đến thăm khám lớn nên Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt từ năm 2014. Đến nay bệnh viện vẫn đang áp dụng 2 phương thức thanh toán viện phí chính là thanh toán tiền mặt - quẹt thẻ (dành cho bệnh nhân khám bệnh thông thường) và thanh toán thẻ điện tử ATM (dành cho bệnh nhân khám bệnh theo yêu cầu).
Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm thực hiện thanh toán qua thẻ ATM, bà Thuận cho biết việc triển khai mô hình thanh toán qua thẻ ATM còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Do đối tượng bệnh nhân của bệnh viện từ tuyến dưới chuyển lên khá đông, nhiều trường hợp người cao tuổi, người dân tộc thiểu số chưa quen với việc sử dụng thẻ khám chữa bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi khám chưa bệnh thường không giữ lại thẻ và khi khám mới tiến hành làm lại, việc này gây nên sự lãng phí lớn. Ngoài ra, việc kết nối giữa phần mềm các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp trục trặc trong quá trình thanh toán do lỗi phần mềm. Đặc biệt hệ thống các cây đón tiếp người bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mô hình thanh toán qua thẻ ATM chưa có sự kết nối, liên thông giữa các phương thức thanh toán của các đơn vị khác nhau.
Theo bà Thuận, chính do những hạn chế về phương thức liên kết nên Bệnh viện Bạch Mai không nhân rộng mà chỉ thí điểm mô hình thanh toán qua thẻ ATM cho nhóm đối bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu. Việc thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt vẫn là xu thế tất yếu của xã hội, mô hình thanh toán điện tử sẽ trở nên thông dụng, do đó trong thời gian tới Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai mô hình thanh toán viện phí qua internet banking (mô hình được ngành điện, nước, giáo dục triển khai rộng rãi mang lại hiệu quả cao), người nhà bệnh nhân có thể thanh toán viện phí bằng nhiều tài khoản khác nhau, ở bất cứ đâu mà không cần trực tiếp đến bệnh viện. Việc mở rộng các phương thức thanh toán đa dạng sẽ giúp từng nhóm đối tượng người bệnh dễ dàng tiếp cận.
Một lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: "Bệnh viện là đơn vị đang trong quá trình chuẩn bị triển khai, chưa thể đưa ra đánh giá các mặt hiểu quả của mô hình thanh toán viện phí qua thẻ AMT. Việc triển khai mô hình thanh toán qua thẻ ATM đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là các liên kết trong thanh toán, trong khi công nghệ thay đổi từng ngày từng giờ. Mô hình cũng phải có những điều chỉnh để theo kịp yêu cầu thực tế đề ra".
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội coi việc áp dụng mô hình thanh toán viện phí qua thẻ ATM là chủ trương thiết thực, góp phần giảm thiểu áp lực cho cả bệnh viện và người dân trong quá trình khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mô hình thanh toán qua thẻ ATM đối với người dân, đặc biệt là người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn khá mới mẻ, nhiều người chỉ quen với việc thanh toán bằng tiền mặt. Chính vì vậy, để các mô hình thanh toán qua thẻ ATM khi đi vào hoạt động đem lại hiệu quả, rất cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân.
Nói về vấn đề các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, PGS, TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: "Hiện việc thanh toán viện phí tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ta hầu hết là thu tiền mặt. Một số bệnh viện đã áp dụng triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt nhưng chưa đạt được hiệu quả cao do chưa có tính đồng bộ, giải pháp thanh toán còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân".
Theo ông Tường, việc đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt sẽ giảm được thời gian chờ đợi của người bệnh, tránh việc mang theo quá nhiều tiền trong người khi đến cơ sở y tế và về phía nhân viên y tế sẽ không phải lo đếm tiền, lo tiền giả… là những hiệu quả không đo đếm được.
Trước những khó khăn kể trên, ông Tường cho rằng, việc đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt ưu tiên tại các đô thị theo đúng quy định của Chính phủ là hợp lý, từng bước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra các vùng sâu, vùng xa.
PGS, TS Trần Quý Tường cho rằng, để đảm bảo hiệu quả trong triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh phải đẩy mạnh công tác truyền thông về thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trên các phương tiện truyền thông tại bệnh viện, bố trí, sắp xếp bộ phận tiếp đón, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các bước thanh toán. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các đơn vị và cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử.
Nhóm PV
Đồ họa: Hoàng Tùng