Thầy giáo sáng tạo thiết bị, ứng dụng giảng dạy gắn với thực tiễn
(Dân sinh) - Là một trong 20 nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Đặng Văn Cường, Phó Trưởng khoa giáo viên, phân hiệu Đào tạo Thanh Hoá - Trường Cao đẳng nghề số 4/Bộ Quốc Phòng chia sẻ với phóng viên Dân sinh về những niềm vui trong giảng dạy, về nghề giáo viên cao quý, vì "lợi ích trăm năm trồng người”…

“Mang thiết bị nhà máy” về làm trực quan tại lớp học
Luôn bắt nhịp, đổi mới sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, thầy Cường kể, xuất phát từ thực tế khó khăn trước đây, muốn cho sinh viên hiểu rõ về tính chất của nghề điện công nghiệp, nhà trường đều phải có kế hoạch cùng các doanh nghiệp đưa các em học sinh, sinh viên tới tham quan, tìm hiểu tại các nhà máy, xưởng sản xuất để nắm bắt chi tiết, cụ thể từng bộ phận của hệ thống.
Công việc đó đòi hỏi mất khá nhiều thời gian, bởi vậy thầy Cường đã sáng tạo ra mô hình thu nhỏ với thiết bị đào tạo tự làm, làm công cụ giảng dạy trực quan tại chỗ cho học sinh, sinh viên.
Thầy quan niệm: “Năng lực sáng tạo của một thầy giáo dạy nghề chính là mang đến sự tiện tích, dễ hiểu nhất và phát triển kỹ năng nghề tốt nhất cho người học”.

Ở thầy Cường luôn có năng lượng tích cực, tin vào khả năng của bản thân đã giúp thầy làm nên những thành tích tại các kỳ hội giảng nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, bộ Quốc phòng, cũng như các cuộc thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp ( giải Ba Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Nghệ An- 2017;
Chưa hết, thầy còn đoạt các giải nhì hội thi Thiết bị đào tạo tự làm tỉnh Thanh Hóa- 2019; giải nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI- 2019; giải C- giải thưởng Nguyễn Viết Xuân- Quân khu 4- 2019...v.v)
Một trong những thành tích đó, thầy Cường tâm đắc là giải Nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI- 2019. Tại cuộc thi này, thầy Cường có thiết bị đào tạo tự làm với tên gọi “ Mô hình trang bị điện cầu trục”.
Với mô hình này, thầy Cường đã và đang ứng dụng, liên tục cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong mỗi giờ lên lớp, giảng dạy cho các em học sinh, sinh viên nghề Điện tử Công nghiệp.

Không cồng kềnh như thiết bị thật trong sản xuất, đây là một công cụ được thầy Cường thu nhỏ, giúp học sinh, sinh viên tiếp cận trực quan ngay tại lớp học. Chính vì thế, giúp sinh viên “giải phẫu” cụ thể từng chi tiết, từng bộ phận một cách tường minh và sinh động.
Thiết bị đào tạo tự làm của thầy Cường thực sự mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy, ưu việt nhất của công cụ này là giúp cho người học dễ hiểu, tiếp thu kiến thức nhanh hơn khi phải mất công tới tận doanh nghiệp để tìm hiểu.
Hệ thống “ Mô hình trang bị điện cần trục” cũng là công cụ hỗ trợ, giúp các em học sinh, sinh viên được học, tiếp cận gần nhất với thực tế vận hành. Các thao tác thực hiện kỹ năng trong từng mô- đun môn học trở nên dễ dàng đối với các em học sinh, sinh viên.
Thiết bị công cụ dạy học đó mang tính tích hợp, rút ngắn được rất nhiều thời gian cho cả giáo viên, học sinh, sinh viên cũng như các doanh nghiệp; giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, đó là điều kiện của nhà trường chưa thể đáp ứng được hết các bài tập của chương trình và ứng dụng ngoài thực tế.
Lợi ích hơn cả, với “mô hình trang bị điện cầu trục”, trong quá trình đào tạo nghề điện công nghiệp, có thể sử dụng giảng dạy ở nhiều modul khác nhau, rất linh động. Người học có thể thực hành nhiều lần (tháo, lắp, phát hiện lỗi, đấu nối, sửa chữa...), 100% không tiêu tốn thêm nguyên vật liệu.
Mô hình được sử dụng trong rất nhiều bài học ở nhiều modul khác nhau và được khai thác, có tính lâu dài, kế thừa khóa học, giúp giảm chi phí đào tạo.
Mặt khác việc tích hợp nhiều bài tập thực hành trên một hệ thống cũng sẽ giảm được chi phí so với việc đầu tư các thiết bị thực hành đơn lẻ.

Kỹ năng nghề sát với thực tế sản xuất
Trước đây, khi chưa có mô hình trực quan này, dẫn đến việc học mà thiếu thực tiễn nên khi ra trường học sinh, sinh viên thao tác chưa thành thạo, chưa thực hiện ngay được được những tình huống công việc liên quan .
Còn khi có mô hình thu nhỏ ứng dụng tích hợp vừa bài giảng lý thuyết, thực hành rất trực quan, người học có điều kiện để nghiên cứu kỹ cấu tạo. Việc lắp đặt, gia công kết cấu và thi công kết cấu thép của phần cơ khí, vận hành, kiểm tra, phát hiện lỗi thường gặp của phần điện trở nên thuận tiện.
Sáng tạo, đổi mới trong cả tư duy phương thức truyền thụ để xây dựng được bài giảng hay, cuốn hút người học, và ra đời các em có tính thực tiễn cao, là điều thầy Cường coi trọng.
Thầy Cường cũng bày tỏ, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, thầy không quản ngại tìm hiểu từ thực tế các doanh nghiệp để lĩnh hội, tiếp cận cái mới, từ đó cải tiến thiết bị đào tạo dạy học, cũng như giảng dạy kỹ năng, giúp người học cũng luôn thích ứng với công nghệ, sát với ứng dụng trong thực tế.
“Ở công đoạn này, học sinh, sinh viên tích cực rèn luyện, nâng cao tay nghề rất quan trọng để đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động, để làm sao khi ra trường các em được doanh nghiệp đón nhận vào làm việc. Đây cũng là mục tiêu hàng đầu của trường CĐN số 4/BQP”, thầy Cường cho biết.
Mang giải pháp đến với doanh nghiệp
Bên cạnh vai trò là một người thầy, nhà giáo Đặng Văn Cường được biết đến là một kỹ sư nhiệt huyết với các doanh nghiệp.
Ngoài thời gian lên lớp truyền thụ cho các em kiến thức, kỹ năng, thầy Cường còn là “sứ giả” của nhà trường thường xuyên tham gia xử lý sự cố, tư vấn giải pháp hệ thống điện công nghiệp- tự động hóa cho một số phân xưởng, công ty trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt là điện cầu trục- với tính tiện dụng, hiệu quả đã trở thành thiết bị điển hình và phổ biến không thể thiếu được trong các nhà máy sản xuất công nghiệp.
Ngay cả học sinh, sinh viên của thầy Cường, sau khi tốt nghiệp đều được chính các đơn vị doanh nghiệp này nhận vào làm việc, đúng với vị trí việc làm được học là phát huy thế mạnh trong lĩnh vực cầu trục và bắt “bệnh” sửa lỗi liên quan, bảo trì, bảo dưỡng khắc phục sự cố của loại thiết bị này.
Có thể nói, sự tương tác giữa nhà giáo Đặng Văn Cường với doanh nghiệp đã tạo nên nền tảng gắn kết thực hành, thực học, thực nghiệp hiệu quả. Đó cũng là thương hiệu, khẳng định chất lượng đào tạo nghề của trường Cao đẳng nghề số 4/BQP.
Thu Thủy
.