Thông tin trên Tri thức trực tuyến, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, cho hay sắp tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ dùng cơ sở tại huyện Hóc Môn của Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh và ký túc xá tại quận 9 của Học viện Hành chính Quốc gia làm nơi cách ly.
"Trong tình hình khẩn cấp, hai đơn vị này chủ động đề xuất cho thành phố mượn cơ sở vật chất sẵn có để làm nơi cách ly. Ngày 26/3, hai nơi này sẽ bắt đầu tiếp nhận người cách ly. Riêng khu ký túc xá của Học viện Hành chính Quốc gia dự kiến cung cấp 1.000 chỗ", ông Từ Lương thông tin.
Trong khi đó, đến chiều 24/3, khu ký túc xá và Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 5.000 người cách ly. Trong thời gian ngắn sắp tới, nơi đây chưa thể tiếp nhận thêm.
Trong cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh chiều 24/3, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cũng yêu cầu các trường đại học trên địa bàn di chuyển học sinh, sinh viên còn lưu trú trong các ký túc xá trong thời gian này để hạn chế khả năng lây nhiễm.
Ông cho hay ngoài ký túc xá của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tiếp tục trưng dụng một số ký túc xá khác của các trường đại học trên địa bàn làm khu cách ly trong thời gian tới.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid - 19, VOV đưa thông tin, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, diễn biến của dịch bệnh có tính quy luật và Việt Nam đã bước qua giai đoạn có trên 100 bệnh nhân. Với quy luật rút ra từ các nước trên thế giới thì từ 100 ca lên 1.000 ca cần khoảng 10 ngày. Vì thế, khoảng thời gian 10 - 14 ngày tới, Việt Nam phải cố gắng không để vượt qua 1.000 ca bệnh mà tốt nhất là không để vượt quá 500 ca bởi nếu để vượt 1.000 ca bệnh thì nguy cơ lây lan cực nhanh và khi đó dù có xây thêm bệnh viện cỡ nào cũng không đủ.
Trách nhiệm của TP. Hồ Chí Minh cùng với cả nước là không để ca bệnh trên địa bàn vượt qua 300 người nhiễm. Cơ sở vật chất, con người của Thành phố đủ để chữa cho gấp 3 con số trên nhưng thực tế cho thấy, 1 người bị nhiễm thì phải cách ly 280 người (nếu Thành phố có 300 người nhiễm thì con số cách ly lên đến 84.000 người).
Khả quan nhất là Thành phố phải cố gắng không để số người mắc bệnh vượt qua con số 150 ca nhiễm để góp phần cùng cả nước chống dịch Covid-19 hiệu quả. Việc này rất cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, sự tự giác của người dân.
Hiện TP. Hồ Chí Minh đã tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, nhà hàng, câu lạc bộ bida…từ 18h 24/3 và với những nơi đủ điều kiện mở cần phải đáp ứng yêu cầu về cự ly… Cần suy nghĩ về việc ngưng hoạt động xe buýt, các điểm đón khách du lịch…
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta đã xem đây là cuộc chiến không tiếng súng thì cần phải có ứng xử cho phù hợp. Về việc hành lễ của các tôn giáo, ông Nhân đề nghị Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ… tìm hiểu các mô hình của các nước bởi người dân ở Thành phố vẫn còn đi nhà thờ, chùa… nhiều và đây có nguy cơ rất lớn.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong 2 tuần quyết định sắp tới, nếu tất cả cùng đồng lòng, khổ trước thì sẽ sướng sau, sẽ cùng với cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
"Trong 2 tuần tới TP phải sống khác, tiết kiệm hơn, ít đi lại hơn… để góp phần cùng cả nước trong yêu cầu mới, góp phần cùng cả nước không để quá 500 bệnh nhân trong 2 tuần tới. Càng cách xa ngưỡng 1.000 ca càng tốt.
Ở đây không ai có kinh nghiệm chống dịch quy mô này cả nên mỗi người phải góp sức, tinh thần phải học tập kinh nghiệm các nước, khó khăn mấy cũng không bế tắc. Dự báo tốt thì không bế tắc, nếu dự báo không tốt, chủ quan, người dân không chủ động thì sẽ bế tắc, bất lợi lâu dài" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.