Lao động trẻ em thường được cho rằng chỉ đơn thuần là hậu quả của nghèo đói nhưng thực tế nghèo đói chỉ là một trong nhiều nguyên nhân của vấn đề. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, thông qua việc triển khai thí điểm tại một số địa phương có làng nghề thuộc các huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức và Thạch Thất, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng lao động trẻ em; bước đầu hình thành các mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa, hạn chế số lượng lao động trẻ em một cách hiệu quả.
Tương tự, tại An Giang, Dự án được triển khai tại 9 xã thuộc 4 huyện gồm: xã Mỹ Phú, Khánh Hòa (Châu Phú); phường Châu Phú A, phường Núi Sam (TP Châu Đốc); xã Nhơn Hội, Phú Hữu (An Phú); xã Mỹ An, An Thạnh Trung, Tấn Mỹ (Chợ Mới). Các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đã được xác định trước là các ngành ưu tiên để thực hiện các can thiệp trực tiếp.
Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ hơn 2.000 trẻ em thuộc các nhóm đích đối tượng hưởng lợi và hơn 1.000 hộ gia đình của trẻ trong Dự án sẽ được nhận hỗ trợ để phát triển kinh tế và cải thiện thu nhập thông qua phát triển chuỗi giá trị và các hỗ trợ sinh kế.
Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang cho biết, từ tháng 10/2017 đến tháng 11/2018, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực với sự tham gia của các ban, ngành liên quan. Nhờ đó việc triển khai Dự án đã đạt được những kết quả cụ thể. đến hết tháng 12/2018 đã có hồ sơ của gần 2.100 trẻ em trên hệ thống cơ sở dữ liệu, từ đó qua tham vấn, xác minh nhu cầu, số trẻ trên hệ thống cơ sở dữ liệu đã được ILO hỗ trợ về sách vở, quần áo đồng phục, giày, ba-lô/cặp, bàn ghế, thẻ BHYT…
Bên cạnh đó hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ban, ngành liên quan hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em về học nghề, tư vấn việc làm; hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình. Trong đó, hoạt động nổi bật là phương pháp Scream (trại hè với chuỗi hoạt động truyền thông và huấn luyện kỹ năng) tại 9 xã dự án, góp phần nâng cao nhận thức tại cộng đồng.
Đánh giá hiệu quả mà Dự án đem lại, theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, An Giang là tỉnh nông nghiệp nên địa phương có tỷ lệ lao động ở khu vực I khá lớn (chiếm 55 - 60%). Điều này đồng nghĩa với việc trẻ đứng trước nguy cơ bị lao động sớm luôn hiện hữu. Ngoài ra, còn có một bộ phận trẻ theo gia đình đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, có em được tiếp tục học tập, nhưng có em phải tham gia lao động sớm. Chính vì vậy việc triển khai Dự án có ý nghĩa rất lớn, thông qua các hợp phần của dự án đã góp phần truyền thông, vận động xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng và các ban, ngành về công tác bảo vệ trẻ em, hỗ trợ trẻ em và gia đình tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.