Tham dự Hội nghị tập huấn có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương, lãnh đạo Vụ Kỹ năng nghề, chuyên gia kỹ thuật biên soạn đề thi, Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 có đại diện lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), đại diện lãnh đạo các Đoàn tham dự kỳ thi; các nhóm chuyên gia biên soạn đề thi; đại diện lãnh đạo các nhà đồng hành, nhà tài trợ, các đơn vị dự kiến đăng cai tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị kỷ niệm 1 năm Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4/10); sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đặc biệt là những thách thức khó lường của đại dịch Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trước những thách thức đang đặt ra, Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia phải tiếp cận được trình độ kỹ thuật hiện đại của thế giới.
"Đề thi của Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia không chỉ có tính phân loại cao, không chỉ đáp ứng những yêu cầu cơ bản của cuộc thi mà phải đón đầu được xu hướng trình độ kỹ thuật, tay nghề của quốc tế. Chúng ta ko thể ngồi yên khi thế giới đang chuyển động, phát triển. Nhiệm vụ này đặt lên vai những chuyên gia thiết kế đề thi." – PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.
Theo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 600 thí sinh đăng ký dự thi tranh tài 35 nghề (29 nghề chính thức, 6 nghề trình diên). Trong đó, 25 nghề được tổ chức theo hình thức xã hội hóa.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 cũng là Kỳ thi có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý nhất là đối tượng thí sinh tham dự Kỳ thi được mở rộng. Học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp hay người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, công ty có độ tuổi dưới 60 sẽ được đăng ký dự thi.
Trước đây, đối tượng tham gia kỳ thi chỉ là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ có độ tuổi không quá 23 hoặc 25 tùy từng nghề. Việc mở rộng đối tượng dự thi không nằm ngoài mục đích nào khác là lan tỏa phong trào rèn nghề, phát triển kỹ năng lao động, tôn vinh người lao động và giá trị của kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp), trong số 35 nghề thì có đến 11 nghề lần đầu tiên được tổ chức tầm quốc gia. 11 nghề này cũng chưa xuất hiện tại Kỳ thi tay nghề Asean và thế giới. Thậm chí có nghề còn chưa được tổ chức đào tạo, giảng dạy chính thức tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này cho thấy sự đón đầu xu hướng trình độ tay nghề, kỹ thuật thế giới.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban tổ chức Kỳ thi cũng chuẩn bị những kịch bản khác nhau trong đó có cả phương án thi trực tuyến và hiện nay đã có 15 nghề có đủ điều kiện tổ chức thi trực tuyến.
"Các chuyên gia khi thiết kế đề thi phải tính hết được các phương án, kịch bản của kỳ thi. Đặc biệt, nội dung đề thi không chỉ tiệm cận với trình độ kỹ năng nghề thế giới, tiệm cận trình độ Kỳ thi tay nghề Asean, thế giới mà còn phải thể hiện rõ vai trò dẫn dắt của Kỳ thi trong giáo dục nghề nghiệp." – Ông Nguyễn Chí Trường chia sẻ.
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 29/09-04/10/2021. Dự kiến, các thí sinh tham dự kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022 tại Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ gồm các thí sinh được lựa chọn từ kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020, năm 2021 và thí sinh do các đối tác tự huấn luyện theo thỏa thuận riêng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.