Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Xoá đói giảm nghèo

Thoát nghèo trên đất rừng

Trồng cây cao su tập trung trên đất rừng nghèo kiệt để hỗ trợ người dân ở buôn Con Ó thoát nghèo là đề án đầu tiên được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng.

Thực hiện chủ trương cải tạo rừng nghèo kiệt, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đổi 62 ha đất rừng để triển khai đề án trồng cây cao su tập trung tại buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Qua 7 năm thực hiện, đến nay đề án này đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống gắn bó với rừng.

Lâm Đồng thoát nghèo trên đất rừng nghèo kiệt - Ảnh 1.

Diện tích đất rừng nghèo kiệt được chuyển sang trồng cây cao su. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

Đề án trồng cây cao su tập trung trên đất rừng nghèo kiệt được tỉnh Lâm Đồng triển khai tại buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Theo đó, 62 ha cây cao su được trồng và giao cho các nhóm hộ theo hình thức Nhà nước hỗ trợ kinh phí bao gồm giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật, người dân đóng góp công lao động, chăm sóc, quản lý bảo vệ theo đúng quy trình kỹ thuật.

Đến nay, qua 7 năm thực hiện, cây cao su đã bắt đầu cho mủ, bước đầu mang lại lợi ích kinh tế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Ông K’Hùng, ở buôn Con Ó, xã Mỹ Đức, người được hưởng lợi từ đề án này cho biết, trước đây ông và bà con trong buôn thiếu đất sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng, từ ngày có thêm nguồn thu nhập từ mủ sao su, kinh tế gia đình đã từng bước được cải thiện đáng kể.

Trồng cây cao su tập trung trên đất rừng nghèo kiệt để hỗ trợ người dân ở buôn Con Ó thoát nghèo là đề án đầu tiên được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Nguyễn Ngọc Thư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, xác định đề án là chủ trương đúng đắn và là đòn bẩy quan trọng trong góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, quá trình triển khai đề án, chính quyền cơ sở luôn phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan thực hiện đúng lộ trình và các giai đoạn, nhờ đó được người dân tin tưởng và chủ động hơn trong khâu chăm sóc, quản lý bảo vệ và thu hoạch. Biến một vùng rừng nghèo kiệt có giá trị thấp, trở thành một vùng rừng xanh tốt, mang lại thu nhập cho người dân, bước đầu mỗi tháng trên 5 triệu đồng/ha.

Theo ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, ngoài đề án trồng cây cao su tập trung trên đất rừng nghèo kiệt đã triển khai thành công và giao cho mỗi hộ/1ha, huyện cũng đang triển khai các mô hình trồng tre tầm vông tập trung, trồng dâu nuôi tằm để hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thoát nghèo... một khi các mô hình này được nhân rộng, chắc chắn công tác giảm nghèo bền vững của huyện Đạ Tẻh sẽ đạt được kết quả cao hơn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hơn hết là ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân.

“Khi thực hiện đề án này với tính chất tập trung thì giúp được người dân giữ được sản xuất, không mua bán, sang nhượng đất được. Hai nữa là đầu tư mang tính bền vững, lâu dài với mục tiêu là giảm nghèo bền vững. Cho đến thời điểm này thì đề án đã thành công, đạt được kết quả rất là tốt như mục tiêu ban đầu đã đặt ra. Hy vọng sau khi tất cả các diện tích này đã đi vào cho khai thác và có thu nhập thì vấn đề giảm nghèo bền vững là huyện đã thực hiện được”, ông Hùng cho biết.

Đất đai, vườn cây được giao cụ thể cho từng hộ, nhưng tất cả các hộ lại được tổ chức vào một dự án tập trung, quy mô và bài bản. Đây có thể được xem là kinh nghiệm thành công ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số nghèo, vấn đề vẫn còn nguyên tính cấp bách ở các tỉnh Tây Nguyên. Cách làm bài bản, chặt chẽ, giúp bà con không nản lòng, thoái chí, vươn lên thoát nghèo ngay trên những vùng đất được coi là nghèo khó.