Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nông nghiệp là bệ đỡ cứu cánh của nền kinh tế

(Dân sinh) - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành NN&PTNT diễn ra chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định vị trí trụ đỡ của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã trải qua một năm đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-29, thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên, với bản lĩnh, sự điều hành linh hoạt đã dành được những thắng lợi toàn diện, trong đó có ngành nông nghiệp. Năm 2020, Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng 3% GDP, mức cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xuất khẩu đạt kỷ lục với 541 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều, trong đó nông nghiệp đóng góp xuất siêu trên 10 tỷ USD. Nhờ thành công trong phòng chống dịch bệnh, thế giới rất ca ngợi Việt Nam, thương hiệu Việt Nam đang lên rất nhanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nông nghiệp là bệ đỡ cứu cánh của nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị.

Với ngành nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trong khó khăn, ngành đã thể hiện vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, là bệ đỡ cứu cánh của nền kinh tế.  

Thủ tướng đánh giá, ngành nông nghiệp đã làm tốt vai trò bệ đỡ quan trọng để nền kinh tế phát triển bình thường và tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, ngành cũng đã thích ứng tốt với đại dịch, với những diễn biến bất thường của thiên tai. Sản xuất nông lâm sản vẫn duy trì, đảm bảo nguồn cung ứng cho 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp cũng đã hoàn thành tốt 4 chỉ tiêu mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao khi tốc độ tăng trưởng đạt 2,65%, xuất khẩu đạt kỷ lục 41,25 tỷ USD, có tới 5 mặt hàng đạt giá trị kim ngạch trên 3 tỷ USD... Năm 2020, giá gạo Việt Nam còn cao hơn Thái Lan, vượt Ấn Độ, gạo ST25 tiếp tục đoạt giải nhì tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020. Ngành nông nghiệp và các địa phương phải tăng tốc đẩy mạnh thương hiệu loại gạo này.

Thủ tướng ấn tượng với việc các doanh nghiệp tăng tốc đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến phát triển, chỉ riêng trong năm 2020 đã có đến 17 dự án nhà máy chế biến được khởi công, đưa vào sử dụng. Qua thực tế, các doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp đều rất thành công.

Nói về những mục tiêu, giải pháp ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh: "Ngành phải biến nguy cơ thành thời cơ, tiếp tục tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về mặt thể chế để vươn lên, trước hết là Luật Đất đai. Bên cạnh đó, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường, thực hiện phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới".

Thủ tướng mong muốn kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 tiếp tục đạt con số tăng trưởng cao hơn năm 2020, tới năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Để nâng cao chất lượng rừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi ngành nông nghiệp và các địa phương tích tực triển khai mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh ở nông thôn, đô thị... xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, bởi nông nghiệp số là vấn đề đặt ra với mỗi hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ NN&PTNT về bố trí vốn trung, dài hạn cho ngành nông nghiệp 2021 - 2025 qua Bộ Nông nghiệp và PTNT đạt chỉ tiêu 5 năm sau cao gấp đôi 5 năm trước như đã được định hướng tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội. 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn kịp thời cho chương trình xây dựng nông thôn mới để triển khai một cách chủ động.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ nguồn cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân với giá cả hợp lý. Thủ tướng cũng lưu ý người dân không tự ý chặt phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi cây rừng vào dịp Tết; đề nghị các địa phương kiểm soát chặt, ai chặt phá cây rừng, đào rừng mang về thành phố bán sẽ bị xử lý.