Đây là Hội nghị trực tiếp lần đầu tiên giữa các Nhà Lãnh đạo ASEAN trong năm 2021 và sau gần 18 tháng các Hội nghị ASEAN phải họp trực tuyến do tình hình dịch bệnh COVID-19.
Đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau
Các nhà Lãnh đạo ASEAN đã chân thành chúc mừng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được Quốc hội Việt Nam tín nhiệm bầu vào cương vị Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoan nghênh Thủ tướng lần đầu tiên tham dự Hội nghị của Lãnh đạo ASEAN.
Tại Hội nghị, các Nhà lãnh đạo ASEAN đã tập trung trao đổi về 3 nội dung chính là hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm.
Về hợp tác xây dựng Cộng đồng, Lãnh đạo các nước ASEAN đều nhận định ASEAN đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đe dọa hòa bình, ổn định, phát triển của các quốc gia và cuộc sống của người dân.
Do đó, ASEAN cần hơn lúc nào hết, đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, tương trợ lẫn nhau để cùng vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách hiện nay, giữ vững vai trò trung tâm, uy tính và vị thế của ASEAN.
Một trong những ưu tiên cao của ASEAN lúc này là đẩy mạnh ứng phó dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện.
Các nước thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả các sáng kiến ứng phó COVID-19 đã được thông qua trong năm 2020, trước mắt, sớm hoàn tất và thực hiện kế hoạch sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 mua vắc-xin hỗ trợ người dân cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Các nước bày tỏ ủng hộ cao đối với sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (Sáng kiến ASEAN SHIELD) do nước Chủ tịch Bru-nây đề xuất.
Làm sâu sắc thêm quan hệ đối thoại, hợp tác hiệu quả, thực chất
Nhìn nhận về tầm quan trọng của quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, các Nhà Lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ đối thoại, hợp tác hiệu quả, thực chất, cân bằng với các Đối tác, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, đảm bảo phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.
Các Nhà Lãnh đạo đã bày tỏ ủng hộ tích cực các đề xuất tăng cường quan hệ với ASEAN của các đối tác Trung Quốc, Úc, Mỹ và Anh.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các Nhà Lãnh đạo chủ yếu tập trung trao đổi về tình hình Mi-an-ma. Đại diện Mi-an-ma đã trình bày với Hội nghị về diễn biến tình hình Mi-an-ma thời gian qua.
Lãnh đạo các nước ASEAN đều bày tỏ quan ngại cho rằng tình hình đang tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sinh mạng của người dân, yêu cầu các bên kiềm chế, chấm dứt sử dụng vũ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm giải pháp cho tương lai của Mi-an-ma.
Các nhà Lãnh đạo nhất trí ASEAN cần phát huy vai trò và tận dụng các cơ chế sẵn có để hỗ trợ Mi-an-ma, trên tinh thần đoàn kết ASEAN và không can thiệp vào công việc nội bộ, cụ thể là cử đại diện của ASEAN tới Mi-an-ma tìm hiểu tình hình, tiếp xúc với các bên liên quan, đề xuất cách thức, biện pháp thúc đẩy đối thoại, hòa giải.
ASEAN cũng thống nhất tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ nhân đạo giúp người dân Mi-an-ma thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).
Thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm cao của Việt Nam
Ngay sau khi đảm nhận cương vị mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị lần này thể hiện sự chủ động, tích cực và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với khu vực và ASEAN.
Là nước Chủ tịch ASEAN 2020 và hiện là nước ASEAN duy nhất tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 4/2021, các phát biểu của Thủ tướng tập trung vào thúc đẩy triển khai các định hướng hợp tác mà ASEAN đã thống nhất trong năm 2020, đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của ASEAN trong giai đoạn hiện nay.
Nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống người dân, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, kể cả trên các vùng biển, để phục hồi và phát triển kinh tế.
Chia sẻ ý kiến của Lãnh đạo các nước ASEAN về tình hình Mi-an-ma và vai trò của ASEAN, Thủ tướng khẳng định trên cương vị Ủy viên không thường trực và hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Bảo An trong tháng 4/2021, Việt Nam đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm ra giải pháp phù hợp cho tình hình Mi-an-ma.
Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn của Liên hợp quốc cùng Việt Nam vận động các đối tác ủng hộ và hỗ trợ nỗ lực của ASEAN trong tiếp cận và tìm kiếm giải pháp phù hợp cho Mi-an-ma.
Kết thúc Hội nghị, nước Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố Chủ tịch về kết quả Hội nghị, trong đó có các thoả thuận của Lãnh đạo ASEAN về đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng, tăng cường hợp tác ứng phó COVID-19 và phục hồi, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
Tuyên bố cũng thể hiện quan điểm của Lãnh đạo ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực, trong đó có 5 điểm ASEAN đã đồng thuận về vấn đề Myanmar: Yêu cầu chấm dứt bạo lực; tất cả các bên liên quan hết sức kiềm chế;
Tiến hành đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại; và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA.
Có được thành công đó của Hội nghị, có vai trò và đóng góp quan trọng, chủ động của đoàn Việt Nam.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc tốt đẹp, khẳng định vai trò, vị trí, uy tín, tầm ảnh hưởng và ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố, tăng cường đoàn kết, đồng thuận, tương trợ giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Góp phần nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong giải quyết các thách thức, bảo vệ lợi ích cốt lõi, chiến lược, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực.
Chuyến công tác khẳng định Việt Nam nỗ lực đóng góp tích cực đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiếp nối và phát huy các kết quả đạt được trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; thể hiện vai trò của Việt Nam trong các vấn đề chiến lược của khu vực;
Khẳng định cam kết, trách nhiệm của Việt Nam, làm nổi bật hình ảnh đất nước Việt Nam tiếp tục đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào các vấn đề chung, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Kết quả của các cuộc tiếp xúc song phương là cơ sở quan trọng cho việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và trong khu vực, cũng như góp phần tạo dựng mối quan hệ hợp tác đối tác thân thiện và chân tình giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới với các Nhà Lãnh đạo ASEAN.