Tham dự buổi gặp mặt có gần 200 đại biểu là thầy, cô giáo, bảo mẫu, sơ, ni, những người luôn quan tâm nuôi dưỡng, chăm sóc và giảng dạy trẻ khuyết tật, mồ côi tại các cơ sở giáo dục – cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tỉnh có 23 cơ sở trợ giúp xã hội nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó: 7 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; 9 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho trẻ em và người khuyết tật; 2 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi và 5 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tổng hợp. Các cơ sở đang nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 1.495 đối tượng bảo trợ xã hội.
Trong giai đoạn vừa qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và đông đảo tầng lớp nhân dân đã quan tâm thực hiện đầy đủ hệ thống chính sách hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục. Từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các đối tượng ngày càng có được môi trường pháp lý, xã hội thuận lợi để hòa nhập cộng đồng.
Nhằm động viên các đối tượng yếu thế, trẻ em kém may mắn, hàng năm vào dịp lễ, Tết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà; đồng thời vận động các nhà tài trợ giúp đỡ, tặng quà, cấp học bổng, hỗ trợ sửa cho trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở BTXH.
Hàng năm, Thừa Thiên Huế đào tạo, kết hợp giải quyết việc làm cho hơn 350 học viên là người khuyết tật các nghề may, thêu, mộc mỹ nghệ, điện dân dụng.
Từ năm 2012 đến nay, bình quân hàng năm Thừa Thiên Huế cấp khoảng 400 thẻ BHYT cho các đối tượng, với kinh phí 310 triệu đồng/năm. Qua đó giúp các đối tượng thuận lợi trong việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bão, lụt nên nhiều cơ sở trợ giúp xã hội gặp nhiều khó khăn. Qua nắm tình hình, Sở đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ: 690 triệu đồng cho 12 cơ sở trợ giúp xã hội; 14 tấn gạo cho 14 cơ sở; 1.000 tấn gạo của Chính phủ cho các cơ sở trợ giúp xã hội; kết nối hỗ trợ quà qua kênh Mặt trận TQVN tỉnh; hỗ trợ bánh chưng, mỳ tôm từ tỉnh Hà Giang gửi tặng Thừa Thiên Huế… Qua đó góp phần giúp các cơ sở trợ giúp xã hội có điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng được tốt hơn.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hoá, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng. Các cơ sở bảo trợ xã hội đã phối hợp, tổ chức để dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.
Tại buổi gặp mặt, nhiều đại biểu đã mang theo những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của mình đối với các trường hợp trẻ em kém may mắn mà bản thân vẫn đang chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày, hàng giờ. Các đại biểu cũng nêu lên những khó khăn, vất vả khi làm công tác chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật.
Nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gửi lời chúc tốt đẹp đến các thầy, cô giáo, những người đang làm việc trong hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh nói chung; người làm công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chia sẻ những khó khăn, vất vả của các thầy cô, người làm việc tại các cơ sở giáo dục - bảo trợ xã hội.
Trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu ngành LĐ-TB&XH, ngành giáo dục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kế hoạch nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục - bảo trợ xã hội nâng cao chất lượng nhằm chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn nữa các đối tượng trẻ em kém may mắn.