Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Người có công

Thừa Thiên Huế: Gấp rút triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Sau khi được lựa chọn, hai địa phương triển khai thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt tại Thừa Thiên Huế là huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thuỷ đang gấp rút hoàn tất công tác mở tài khoản cho đối tượng, trong đó Phú Lộc đã hoàn thành việc mở tài khoản cho 98% đối tượng.

Thu thập thông tin, đăng ký mở tài khoản cho đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại xã Lộc Trì

Thu thập thông tin, đăng ký mở tài khoản cho đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tại xã Lộc Trì

Sáng 6/4, chúng tôi có mặt tại điểm tổ chức thu thập thông tin, ghi hồ sơ mở tài khoản ViettelPay cho đối tượng hưởng chính sách xã hội trên địa bàn xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Tại đây, phóng viên ghi nhận được không khí làm việc khẩn trương nhưng cũng vô cùng cẩn thận, trách nhiệm của cả người thu thập thông tin lẫn đối tượng. Cán bộ xã, nhân viên Viettel bên cạnh nhiệm vụ thu thập thông tin, ghi hồ sơ mở tài khoản, cài đặt app trên điện thoại,… mà còn tận tình hướng dẫn cách sử dụng, giải đáp các thắc mắc của đối tượng, người thân, người được uỷ quyền.

Ông L.P.B (người thân đối tượng hưởng chính sách xã hội ở xã Lộc Trì) cho biết, sau khi nhận được giấy mời và nắm thông tin qua hệ thống phát thanh của xã về việc đến nhà văn hoá cung cấp thông tin, ghi hồ sơ mở tài khoản ViettelPay cho người thân, ông đã sắp xếp công việc để đến thực hiện. Ông rất hài lòng với cách làm việc, cách phục vụ của đội ngũ thu thập thông tin. Theo ông B., lâu nay mẹ ông được hưởng trợ cấp thuộc diện người cao tuổi, số tiền không nhiều nhưng thủ tục đôi khi cũng có những cái bất tiện, nhiêu khê. Ông hy vọng việc chi trả qua tài khoản tới đây sẽ đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn cho đối tượng, người thân và người được uỷ quyền.

"Tôi nghĩ trong thời đại này, việc thực hiện chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt là phù hợp, đỡ vất vả cho cả người thực hiện chi trả lẫn người thụ hưởng", bà V.T.P, một người dân xã Lộc Trì đi đăng ký cho người thân chia sẻ.

Thừa Thiên Huế: Gấp rút triển khai chi trả an sinh không dùng tiền mặt - Ảnh 3.

Tận tình hướng dân người dân

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quốc Bình - Phó trưởng phòng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Lộc cho biết, ngay sau khi được lựa chọn là 1 trong 2 địa phương thực hiện thí điểm chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt năm 2021 và tham gia Hội thảo hướng dẫn thực hiện do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, huyện Phú Lộc đã khẩn trương triển khai kịp thời đến cấp xã. Theo ông Bình, bên cạnh 2 Hội thảo do Sở tổ chức (tại TP Huế và tại Phú Lộc), Phú Lộc cũng đã tổ chức nhiều đợt hướng dẫn, tập huấn thu thập thông tin, ghi hồ sơ mở tài khoản ViettelPay cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác Lao động – Thương binh và xã hội 17 xã, thị trấn thuộc huyện. Ngoài ra, phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Lộc cũng đã lập nhóm Zalo với thành phần gồm: lãnh đạo huyện, lãnh đạo, công chức Phòng, Viettel Thừa Thiên Huế, công chức 17 xã, thị trấn để kịp thời trao đổi các thông tin cần thiết. Công tác tuyên truyền cho người dân về chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt cũng được đẩy mạnh thông qua hệ thống phát thanh xã, phường, các cuộc họp tổ dân phố,….

Từ đầu tháng 3/2021, Phú Lộc triển khai tạo tài khoản ViettelPay cho đối tượng dựa trên danh sách hưởng hàng tháng và danh sách xuất từ hệ thống Mis Posasof. Ban đầu, việc triển khai tại các xã như Lộc Bổn, Lộc Lộc Sơn, Xuân Lộc được thực hiện theo hình thức tập trung đối tượng, người thân, người được uỷ quyền tại các điểm để mở tài khoản. Phương pháp này tuy hiệu quả nhưng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập như: thời gian lấy thông tin, ghi hồ sơ chậm, đối tượng và người thân phải đi lại quá nhiều,…Qua đánh giá, rút kinh nghiệm, việc triển khai tại các xã, thị trấn về sau đã được Phú Lộc thay đổi. Theo đó, các xã, thị trấn chủ động trong việc thu thập thông tin của đối tượng (CMND/CCCD, số điện thoại và uỷ quyền) trên cơ sở hồ sơ do Viettel cung cấp. Sau khi hoàn thành thu thập thông tin của đối tượng, các xã, thị trấn thống nhất, đăng ký thời gian mở tài khoản với Viettel. Việc thay đổi này đã giúp các xã, thị trấn chủ động hơn, đối tượng, người thân đối tượng không phải đi lại quá nhiều, Phòng LĐ-TB&XH cùng Viettel đẩy nhanh được công tác thu thập thông tin mở tài khoản cho đối tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Phú Lộc đã thu thập thông tin của 5.709/8.361 đối tượng; số hồ sơ đã mở tài khoản là 5.617, còn 92, đạt 98%. Một số xã, thị trấn đã hoàn tất 100% việc mở tài khoản cho đối tượng như: Lộc An, Lộc Bổn, Lộc Hoà, Lộc Sơn, thị trấn Phú Lộc, Vinh Hưng, Lộc Bình, Giang Hải.

Cũng theo ông Bình, dự kiến từ ngày 9/4/2021, hệ thống tài khoản chi trả chính sách xã hội không dùng tiền mặt tại Phú Lộc sẽ được vận hành; đồng thời việc chi trả qua tài khoản sẽ được thực hiện từ ngày 20/4/2021. Huyện Phú Lộc đề nghị Viettel Thừa Thiên Huế nghiên cứu bố trí các điểm chi trả thuận lợi cho việc đi lại của đối tượng (ít nhất 2 điểm/xã). Các điểm chi trả phải bảo đảm các điều kiện về không gian như chỗ ngồi, an toàn về giao thông, an ninh trật tự. Viettel cũng cần cung cấp danh sách cụ thể các điểm chi trả để địa phương nắm, tuyên truyền và hướng dẫn người dân. Ngoài ra, đơn vị cung cấp tài khoản chi trả cần có phương án giải quyết đối với các trường hợp cắt giảm chậm, không kịp thời khi tiền đã chuyển vào tài khoản của đối tượng.

Người dân đồng thuận với việc thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Người dân đồng thuận với việc thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn Thừa Thiên Huế là 1 trong 3 địa phương thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Sau đó, Thừa Thiên Huế đã lựa chọ thị xã Hương Thuỷ và huyện Phú Lộc để triển khai thực hiện; đồng thời chọn 3 đơn vị cung ứng dịch vụ là ViettelPay, VietinBank và Bưu điện tỉnh. Hiện nay, VietinBank đang phối hợp với các xã/phương trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ lập hồ sơ mở tài khoản cho đối tượng và dự kiến bắt đầu thực hiện chi trả qua tài khoản từ tháng 5/2021.

Qua đánh giá của cơ quan hữu quan, đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt tại Thừa Thiên Huế đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của người dân. Công tác triển khai có sư tham gia đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, thôn/tổ dân phố; sự phối hợp tốt của các cơ quan cung ứng dịch vụ và sự hưởng ứng tích cực của của đối tượng, người dân.

Được biết, hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 58.848 người đang hưởng chế độ trợ giúp xã hội tại cộng đồng, chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động chi trả cho các đối tượng 125,5 triệu đồng/tháng và khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Từ tháng 7/2016 đến nay, phòng LĐ-TB&XH phối hợp với bưu điện cấp huyện ký hợp đồng chi trả chính sách trợ giúp xã hội bằng tiền mặt cho đối tượng trợ giúp xã hội. Thời gian chi trả từ ngày 5 đến 25 hàng tháng tại các điểm bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn, các nhà văn hóa xã, các bưu cục. Đối với đối tượng ốm đau già, yếu, bệnh tật đặc biệt nặng không đến nhận được thì thực hiện chi trả tận nhà cho đối tượng.