Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thừa Thiên Huế hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động trở về từ vùng dịch

Trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động có nhu cầu việc làm và đào tạo nghề cho gần 1.500 lao động có nhu cầu học.

Thừa Thiên Huế hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho lao động trở về từ vùng dịch  - Ảnh 1.

Người lao động Thừa Thiên Huế làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp do chịu ảnh hưởng dịch COVID-19

Theo số liệu báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến nay, đã có khoảng 26.000 lao động trong độ tuổi lao động làm việc tại các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trở về địa phương. Qua rà soát, có hơn 16.000 lao động có nhu cầu học nghề và vay vốn tạo việc làm; 9.791 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm; 1.431 lao động có nhu cầu học nghề; 342 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 4.618 lao động có nhu cầu vay vốn.

Nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động sớm tìm kiếm được việc làm mới, ổn định cuộc sống cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh tuyển dụng lao động có tay nghề, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành và  các địa phương liên quan tăng cường kết nối cung cầu lao động, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Các đơn vị cần thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động, tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, lưu động cho người lao động từ các tỉnh, thành khác về. Trước mắt tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 9.791 lao động có nhu cầu tìm việc làm vào làm việc tại 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 7.669 vị trí việc làm để ổn định cuộc sống.

Căn cứ nhu cầu thực tế của người lao động và của thị trường lao động, Thừa Thiên Huế sẽ có kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các tỉnh, thành khác. Trước mắt, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho 1.431 lao động có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các địa phương, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có năng lực, uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của tỉnh để người lao động tiếp cận; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hỗ trợ các trường hợp người lao động đã hoàn chỉnh thủ tục, được các nước có văn bản chấp thuận, chờ thủ tục bay được tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện nội dung "Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động" theo Chương trình việc làm tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tạo thêm việc làm cho người lao động; quan tâm các mô hình sinh kế, nhất là các dự án đã có định hướng phát triển kinh tế để thu hút người lao động. Phối hợp với các ngành liên quan giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề truyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện có hiệu quả các chính sách về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, ưu tiên chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho những lao động có nhu cầu.

Các địa phương cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Rà soát nắm tình hình, số lượng, trình độ, tay nghề theo từng ngành nghề, lĩnh vực và nhu cầu của lao động từ các tỉnh, thành khác trở về địa phương để có cơ sở thực hiện.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chính sách tạo việc làm, hỗ trợ tạo việc làm để người lao động hiểu rõ; phối hợp với các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyển dụng lao động từ các tỉnh, thành khác về vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.