Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của đợt mưa bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trong những tháng cuối năm 2020, các địa phương thuộc tỉnh đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Mưa lũ đã làm chết 38 người, 11 người mất tích, 142 người bị thương. Sản xuất nông nghiệp cũng chịu thiệt hại nặng nề với 171 ha diện tích trồng lúa bị bồi lấp, hơn 815 ha rau màu các loại bị thiệt hại, 3.921 con trâu bò bị chết, mất hàng chục hecta nuôi trồng thủy sản, hơn 14.300 ha rừng bị gãy đổ. Tổng thiệt hại về vật chất 2.273 tỷ đồng.
Sau thiên tai, Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra thực địa, chỉ đạo khắc phục, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ; đồng thời, tập trung khôi phục các công trình thiết yếu về nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, UBND tỉnh đã tiếp nhận 170 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương; Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận tiền và hàng 106 tỷ đồng (81,5 tỷ đồng tiền mặt); tiếp nhận thông qua tài khoản của tỉnh 40 tỷ đồng; Hội chữ thập đỏ tiếp nhận 11 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô cho người dân khôi phục sản xuất…
Thừa Thiên Huế đã phân bổ 70 tỷ đồng cho các địa phương triển khai công tác bảo đảm an sinh xã hội và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ đã và đang tiếp tục phân bổ tiền và hàng cho các địa phương.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quan tâm hỗ trợ tỉnh phục hồi sinh kế, khôi phục sản xuất ổn định đời sống nhân dân. Về lâu dài, Thừa Thiên Huế đề xuất Chính Phủ, các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ cho tỉnh khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông, sớm ổn định đời sống nhân dân; đồng thời, triển khai các dự án quan trọng cấp bách.
Sau khi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc rất đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Thứ trưởng đề nghị địa phương chỉ đạo sít sao công tác khôi phục sản xuất sau bão lũ, từng ngày, giống như nhiệm vụ chiến đấu. Các cơ quan chức năng phải cộng đồng trách nhiệm trong hỗ trợ người dân sản xuất, không để lỡ mùa vụ của nông dân. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chỉ đạo khôi phục sản xuất, trong đó ưu tiên chăn nuôi gia cầm đảm bảo phục vụ thực phẩm phục vụ tết Nguyên đán vì có chu kỳ sản xuất ngắn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, theo tính toán, tái chăn nuôi gia cầm từ nay đến tết Nguyên Đán sẽ có sản phẩm, nhờ đó sẽ giúp bà con có thêm thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc chăn nuôi sau lũ lụt, các địa phương phải thực hiện tốt công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường an toàn, sạch bệnh… Đồng thời, thống kê cụ thể các hạng mục cần thiết nhất để xuất Trung ương xem xét, hỗ trợ kịp thời.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương; đồng thời chỉ đạo các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và cơ quan quản lý địa phương tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi, đảm bảo môi trường an toàn trước khi thả nuôi, tránh thiệt hại.
Dịp này, một số doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng dịch vụ nông nghiệp, sản xuất giống đã đặt vấn đề và hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế con giống, cây giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, thuốc sát trùng, hóa chất tiêu độc khử trùng, tư vấn kỹ thuật… để người dân khôi phục sản xuất.