Thời gian qua, đại dịch COVID-19 bùng phát tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến nay tình hình dịch bệnh chưa quá phức tạp, vẫn nằm trong khả năng kiểm soát chủ động. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, lao động tự do đang gặp rất nhiều khó khăn. Đại dịch cũng đã gây cản trở, ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận tải hành khách,… Nhiều doanh nghiệp, đơn vị phải thực hiện giãn ca, thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động dẫn đến người lao động mất việc làm, thu nhập không ổn định
Bên cạnh đó, do yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phong tỏa, giãn cách xã hội một số địa phương theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tạm dừng hoạt động một số ngành nghề như, như: Rạp chiếu phim, Pub beer, câu lạc bộ thể dục - thể thao trong nhà, khu vui chơi trẻ em, cơ sở dịch vụ karaoke, quán Bar, game online, xông hơi, cơ sở thẩm mỹ/spa, hoạt động tại các bể bơi; tạm dừng hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản lưu niệm dọc tuyến Quốc lộ 1A. Người dân, người lao động hoạt động trong các lĩnh vực này mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, mất thu nhập nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, các cấp, các ngành, các đơn đị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, người lao động theo quy định của 2 văn bản này được hỗ trợ, với tổng kinh phí thực hiện hơn 40 tỷ đồng, qua đó ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã kịp thời ban hành nhiều chính sách riêng nhằm hỗ trợ người dân và một số đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch về tiếp nhận công dân bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, đã tổ chức thực hiện 3 đợt đón công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trở về với số lượng 850 người, chủ yếu là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị ốm đau, bệnh tật, mất việc làm. Mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã có Thư kêu gọi kêu gọi ủng hộ người dân Thừa Thiên Huế sinh sống ở, làm ăn TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam đang gặp khó khăn, bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Nhiều cơ quan, đơn vị đã phát động quyên góp ủng hộ theo thư kêu gọi này. Song song với đó, UBND tỉnh đã thiết lập kênh hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 gặp khó khăn, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng bằng tiền mặt từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động xã hội hóa,…
Đối với người nhiễm COVID-19 (F0), người dân phải cách ly y tế (F1) và người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19 trở về phải cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh, đã được Thừa Thiên Huế hỗ trợ toàn bộ các chi phí điều trị, chi phí tiền ăn, ở trong thời gian điều trị hoặc cách ly tập trung đối với người dân.
Để hỗ trợ, giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lớn người dân trên địa bàn tỉnh trở về từ các tỉnh phía Nam, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương rà soát, nắm tình hình, số lượng lao động,… để có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, tạo việc làm cho người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng tuyển dụng, tiếp nhận lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, với các chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn.
Ngày 26/8/2021 vừa qua, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, khoảng 30.000 đối tượng là người lao động tự do, người yếu thế sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương.