Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan cùng hơn 70 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng có sử sử dụng lao động, cán bộ quản lý, an toàn, vệ sinh viên,…
Theo ông Phan Trọng Nhân – Phó phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế), đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 3.569 doanh nghiệp đang hoạt động, với gần 96.000 lao động đang làm việc. Lĩnh vực xây dựng có 905 doanh nghiệp sử dụng 13.359 lao động. Ngoài ra còn có 37.474 lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng không có giao kết hợp đồng lao động.
Là ngành có nhiều yếu tố dễ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, nên công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng có vai trò quan trọng. Trong thời gian qua, công tác ATVSLĐ trong các ngành nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được các cấp, các ngành quan tâm, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, TNLĐ, nhất là TNLĐ chết người vẫn xảy ra.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế xảy ra 18 vụ TNLĐ, làm 18 người chết, 2 người bị thương; riêng 6 tháng đầu năm 2020 có 6 vụ, làm 6 người chết. Số vụ tai nạn xảy ra trong lĩnh vực xây dựng là 10/18 vụ; trong khu vực có quan hệ lao động là 17 vụ.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ được cho là có phần trách nhiệm của cả cơ quan chức năng, người sử dụng lao động và cả từ chính bản thân người lao động.
Ông Ngô Hán Thành - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện An toàn lao động – Vệ sinh lao động (Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên – Huế) cho biết, hàng năm, nhà trường đã liên hệ và hợp tác với khoảng 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho hơn 10.000 người lao động/năm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng, Trung tâm chỉ phối hợp được với khoảng 10 đơn vị trong tỉnh, 2 đơn vị ngoài tỉnh. Số lượng huấn luyện bình quân là 500 người/năm.
Theo ông Thành, phần lớn người sử dụng lao động trong lĩnh vực xây dựng chưa nhận thức đúng về công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Những công trình nhỏ lẻ hay công trình dân sinh thì vấn đề ATVSLĐ gần như bị bỏ ngỏ. Người lao động còn chủ quan với sự bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình. Cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện còn hạn chế (trong công trường, lán trại).
Ông Phan Quang Trung – Chánh Thanh tra Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên – Huế cho rằng, để chủ động ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ TNLĐ, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng, trong thời gian tới, các Sở, ban ngành, chính quyền các địa phương, các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động cần phải làm tốt hơn nữa công tác ATVSLĐ; tăng cường tuyên truyền chủ trương, pháp luật của nhà nước về công tác này; đồng thời trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, hiểu biết kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.
Ông Hồ Dần – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế nêu rõ, TNLĐ không chỉ gây thiệt hại về người, sức khoẻ người lao động mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, vấn đề thi công của chủ đầu tư, cũng như nhiều mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ. Chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải thay đổi nhận thức và nhận thấy tầm quan trọng của công tác an toàn lao động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Người lao động cũng phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho chính bản thân khi tham gia lao động.