Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tiền Giang: Ấm lòng từ những phần cơm miễn phí

(Dân sinh) - Trong tiết trời se se lạnh cuối năm, bếp ăn nghĩa tình tại phường 2, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) liên tục đỏ lửa, làm ấm lòng bà con lao động, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Sau Nhà ăn 0 đồng (đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phường 2), bà con lao động nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay người mất sức lao động ở TP Mỹ Tho có thêm nơi cung cấp những suất ăn trưa miễn phí tại số 145 đường Phan Thanh Giản, Phường 2. Suất ăn do nhóm Bữa cơm nghĩa tình thực hiện dưới sự tài trợ của cựu học sinh, cựu giáo viên Trường Trịnh Hoài Đức.

Tại địa điểm phát cơm chay miễn phí, ngoài đầu bếp chính còn khoảng 10 anh chị đang tất bật chuẩn bị phần cơm gồm món kho, món canh, xào…Đặc biệt có thêm phần tráng miệng khi thì miếng cốm, lúc thì trái cây…Đó là những gương mặt thân quen tham gia thường xuyên trong các chương trình thiện nguyện: Địa chỉ nhân đạo (Đài Truyền hình Tiền Giang), nhóm Phát Tâm (tặng bánh mì miễn phí cho bà con trước Trung tâm chữa bệnh kỹ thuật cao), nhóm Bát cháo nghĩa tình…

Chị Nguyễn Thị Lê, trưởng nhóm cho biết, các bạn bè của chị từng là cựu học sinh, cựu giáo viên từng học tập, công tác tại Trường Trịnh Hoài Đức trước đây đa số đang định cư ở nước ngoài và khá thành đạt. Họ nhờ chị làm đại diện để lo những phần cơm miễn phí cho người nghèo.

Chị nhớ lại, lúc đó khoảng thập niên 80, các số học sinh của trường lúc ấy là con em lao động nghèo. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, có bữa lên lớp mà bụng cồn cào vì đói. Vì vậy, sau khi thành đạt, các chị quyết định cho người khó khăn một bữa ăn no bụng để tiếp tục học tập hay mưu sinh.

Mỗi phần ăn khoảng 15-20 ngàn đồng. Nguyên liệu nấu được đầu bếp mua và chọn lựa kỹ càng từ các cửa hàng rau an toàn, cơ sở sản xuất có đăng ký… chứ không tận dụng nguyên liệu tồn.

Mỗi lần phát từ 150-200 phần vào các ngày thứ 3, 5 và 7. Thứ 3, 7 phát cơm tại đường Phan Thanh Giản cho bà con lao động, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Riêng ngày thứ 5, nhóm chị phát cơm tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh từ 200-300 phần. Do nguồn nhân lực không lúc nào cũng đáp ứng được (từ 8-10 người/lần nấu) nên nhóm thuê đầu bếp chuyên nghiệp phụ trách chính còn các chị thì hỗ trợ các khâu sơ chế, nấu, dọn, rửa…Đầu bếp hiện đang nấu ở các cửa hiệu hay quán ăn lớn.

Tiền Giang: Ấm lòng từ những phần cơm miễn phí - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Lê đại diện nhóm cựu GV cựu HS Trường Trịnh Hoài Đức và những phần cơm tại Trung tâm bảo trợ xã hội Tiền Giang.

Theo chị Lê, người làm chuyên nghiệp sẽ có thực đơn đa dạng, biết chỗ có nguồn nguyên liệu tốt, sẵn các đồ nghề, làm nhanh…Tuy được thuê nhưng những thợ nấu này cũng thường "trợ duyên" thêm suất ăn hay phần tráng miệng. Mỗi lần ngoài phần dự tính ban đầu, cũng được các nhà hảo tâm tài trợ thêm vài chục suất. Vì vậy, lúc nào suất ăn cũng nhiều hơn dự định ban đầu.

Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, nhiều người lao động nghèo, học sinh, sinh viên đã tìm đến đây để có những bữa cơm trưa ấm lòng. Chú Bùi Văn Minh (Phường 3, TP Mỹ Tho) cho biết: "Cơm chay ở đây rất ngon, mỗi lần là những món khác nhau. Có những món rất hợp khẩu vị với chú là canh chua, mì căng xào…"

Cô Nguyễn Thị Kim Loan, 64 tuổi ở Phường 4 cho biết, sáng cô đi bán thuê ở 1 căn tin trường học, thu nhập gói ghém lắm mới đủ chi tiêu cho gia đình. Có phần cơm này cô có thể có dư chút ít mua sắm cho cháu món quà nhân dịp Tết sắp đến.

Tuy bà con đến khá đông nhưng vẫn trật tự, không xô đẩy. Mọi người đều được nhắc: mỗi người một phần, nếu ai ổn thì nhường cho người khác…Mỗi lần phát chỉ khoảng hơn 10 phút là hết cơm. Chị Lê thường dặn bà con đừng đến sớm cản trở lưu thông và chú ý phòng dịch bệnh.

Trong cái lạnh se se cuối năm, bếp ăn nghĩa tình đỏ lửa, làm ấm lòng bà con lao động, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mong bếp ăn tiếp tục duy trì để bà con có được những bữa cơm đầy chứa chan ân tình.

Được biết, Trường Trịnh Hoài Đức từ trước năm 1975 đến 1995 đặt tại địa điểm Trường Tiểu học Hồ Văn Nhánh hiện nay (có lúc trường mang tên là Phổ thông cơ sở Phường 2 nhưng do thói quen nên người dân quanh vùng vẫn gọi là Trịnh Hoài Đức). HS nhà trường từ lớp 1-9 đa số là con em dân lao động nghèo tại Phường 2. Sống bằng nghề làm thuê ở các dãy vựa, đi biển…Hiện nay, tên trường Trịnh Hoài Đức đã được khôi phục ở vị trí cách địa điểm cụ khoảng 500m.