Tại buổi tập huấn, Bác sĩ Trần Thị Thu Thủy (Khoa phòng chống AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã thông tin về quá trình lây nhiễm HIV; cách sử dụng thuốc ARV khi bị phơi nhiễm HIV; hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị cho trẻ em bị phơi nhiễm HIV/AIDS, loại trừ truyền HIV từ mẹ sang con; Hướng dẫn các kỹ năng tư vấn, động viên bệnh nhân HIV/AIDS sống tích cực để tránh lây lan…
Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hảo cung cấp cho các đại biểu một số thông tin về: tình hình và thực trạng trẻ em nhiễm HIV/AIDS; tác động của đại dịch HIV/AIDS đối với trẻ em; Nội dung và các giải pháp thực hiện quyết định 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020.
Theo đó, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS gồm: trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ mồ côi do bị mất cha mẹ do AIDS; sống với cha mẹ, người nuôi dưỡng có HIV dương tính; trẻ bị nghiện ma túy.
Tác động của đại dịch với trẻ em gồm: thiếu thốn tình cảm cha mẹ, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS tăng cao, suy dinh dưỡng và ốm đau, các khó khăn về kinh tế, nơi ở và nhu cầu vật chất, tổn thương tâm lý xã hội; giảm tiếp cận với các dịch vụ Y tế.
Cùng cả nước hướng đến Mục tiêu 90-90-90 (90% người bị nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV chẩn đoán HIV được điều trị bằng thuốc kháng sinh, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được lượng virus ở mức thấp) kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Tiền Giang đã thiết lập mô hình Mạng lưới kết hợp với dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận của trẻ em và gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; nâng cao nhận thức cho người dân, cha mẹ, cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS với các dịch vụ về bảo vệ chăm sóc trẻ em; xây dựng các mạng lưới kết nối dịch vụ từ cộng đồng đến các tuyến chuyên sâu.
Phấn đấu thực hiện Quyết định 570/QD-TT với 90% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, cung cấp các dịch vụ về Y tế, Giáo dục cùng các chính sách xã hội; 90% cơ sở trợ giúp trẻ em cơ sở, tổ chức xã hội được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị nhiễm, ảnh hưởng HIV/AIDS; 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu.
Theo đó, Mạng lưới do UBND tỉnh chủ trì, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính: Y tế, dinh dưỡng, giáo dục, luật pháp, nơi ở, tâm lý xã hội. Các ngành Y tế, Giáo dục trên địa bàn tỉnh chung tay thực hiện các nhiệm vụ: khảo sát nắm tình hình trẻ em bị ảnh ảnh hưởng HIV/AIDS, xây dựng kế hoạch truyền thông, cung cấp thông tin, kiến thức về bảo vệ chăm sóc trẻ em; hỗ trợ việc tư vấn, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các tuyến huyện, xã; không kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS; tạo điều kiện huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng không thuộc diện chính sách…