Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

7 lý do thẻ tín dụng bị từ chối, cách giải quyết và cách hủy thẻ đơn giản

Thanh Nhung
Thanh Nhung

Dưới đây là những nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho từng trường hợp khi thẻ tín dụng bị từ chối, và các bước vô cùng đơn giản để hủy thẻ tín dụng khi bạn không còn nhu cầu sử dụng.

Thẻ tín dụng mang lại nhiều tiện ích trong việc mua sắm và thanh toán, nhưng đôi khi bạn có thể muốn hủy thẻ tín dụng vì nhiều lý do khác nhau. Ngoài ra, có nhiều lý do thẻ tín dụng bị từ chối và phải xử lý thế nào khi thẻ bị từ chối?

7 lý do thẻ tín dụng bị từ chối, cách giải quyết và cách hủy thẻ đơn giản - 1
Phải xử lý thế nào khi thẻ tín dụng bị từ chối (Ảnh minh họa: TNI).

7 lý do thẻ tín dụng bị từ chối phổ biến nhất 

1. Chi tiêu hết hạn mức cho phép

Một trong những nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng bị từ chối là do hạn mức tín dụng đã bị sử dụng hết. Nếu bạn đã chi tiêu hết số tiền được cấp trên thẻ, việc thanh toán tiếp theo sẽ không thể thực hiện được. 

Giải pháp: Để khắc phục, bạn nên kiểm tra số dư tài khoản và hạn mức tín dụng còn lại, hoặc thanh toán bớt số dư nợ để tạo thêm hạn mức.

2. Tài khoản tín dụng bị đóng

Ngân hàng phát hành thẻ của bạn có quyền đóng tài khoản thẻ tín dụng với vô vàn lý do, thông thường nhất chính là chậm thanh toán thẻ tín dụng nhiều lần. Hoặc có thể do bạn đang có khoản nợ tín dụng ở mức quá lớn.

Thông thường, ngân hàng sẽ tiến hành gửi email, tin nhắn hoặc gọi điện cho khách hàng trước khi đóng thẻ để chủ thẻ kiểm soát được tình hình. Rất có thể ngân hàng đã gửi email, tin nhắn hoặc gọi điện mà bạn lại vô tình bỏ qua.

Giải pháp: Bạn nên liên hệ trực tiếp với ngân hàng để biết lý do thẻ tín dụng bị từ chối thanh toán và giải quyết trong thời gian sớm nhất.

3. Thời hạn của thẻ tín dụng

Các thẻ tín dụng thường có thời hạn sử dụng từ 3-5 năm. Thời hạn của thẻ được in trên mặt trước thẻ, bạn có thể dễ dàng kiểm soát và để ý thời gian.

Hãy kiểm tra thời hạn này nếu bạn không thể thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Giải pháp: Gọi điện đến ngân hàng để gia hạn thẻ tín dụng. Thông thường ngân hàng sẽ thông báo với bạn trước khi thẻ hết hạn để bạn chủ động gia hạn.

Một số ngân hàng sẽ tự động gia hạn khi thẻ của bạn gần đến hạn. Bạn phải lưu ý, nếu như ngân hàng không gia hạn và thẻ không được tự động gia hạn thì phải liên hệ với ngân hàng, mang theo CMND và hồ sơ cần thiết đến ngân hàng để được gia hạn.

Thời điểm tốt nhất bạn nên gia hạn thẻ là 3 tháng trước thời gian thẻ hết hạn.

4. Điểm giao dịch không chấp nhận thẻ từ ngân hàng bạn

Việc từ chối thanh toán bằng thẻ tín dụng thỉnh thoảng vẫn có thể xảy ra tại một số điểm giao dịch. Điều này có thể xảy ra khi địa điểm thanh toán ở nước ngoài, khi thanh toán quốc tế với yêu cầu thẻ nghiêm ngặt hơn. Ví dụ một số website chỉ cho thanh toán bằng thẻ phát hành tại quốc gia đó.

Giải pháp: Liên hệ với ngân hàng để xác nhận việc thẻ bị từ chối và nhờ tư vấn hướng giải quyết phù hợp.

5. Thẻ có dấu hiệu bị xâm phạm

Trong quá trình quản lý, khi ngân hàng thấy những giao dịch bất thường từ thẻ của bạn, ngân hàng sẽ khóa tạm thời để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp bị kẻ xấu lén sử dụng. Trong thời gian này, ngân hàng sẽ tạm thời từ chối tất cả các giao dịch phát sinh từ thẻ của bạn.

Giải pháp: Liên hệ với ngân hàng để xác nhận tài khoản thẻ của bạn vẫn ổn, yêu cầu ngân hàng cho phép bạn sử dụng thẻ để tiếp tục thực hiện các giao dịch.

6. Thẻ tín dụng hoặc thiết bị đọc thẻ bị hỏng

Thẻ tín dụng bị hỏng: Nếu trong quá trình sử dụng, bạn không bảo quản thẻ tốt, khiến cho thẻ bị xước chữ số, mã thanh toán, thẻ bị ướt hoặc bị biến dạng do nhiệt độ cao, chip thẻ hỏng, dải băng thẻ hỏng,... sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng quẹt thẻ thanh toán.

Thiết bị đọc thẻ bị hỏng: Cũng có thể máy POS thanh toán tại các cửa hàng bị hỏng, chưa được cài đặt đúng nên không đọc được thẻ của bạn. Nhân viên cửa hàng cần kiểm tra máy POS trước khi quẹt thẻ.

Giải pháp: Xác định cụ thể nguyên nhân thẻ bị từ chối đến từ thẻ hay từ máy POS.

Nếu thẻ của bạn bị hỏng, liên hệ với ngân hàng để yêu cầu cấp lại thẻ mới, chi phí dao động từ 100,000 - 200,000 đồng. Quá trình này ảnh hưởng đến việc sử dụng và tốn thêm chi phí cho thẻ. Do đó, các bạn nên bảo quản thẻ tốt hơn.

Nếu do thiết bị đọc thẻ thì bạn nên yêu cầu của hàng nên kiểm tra lại máy POS, reset hoặc đổi POS để thanh toán tốt hơn.

7. Loại thẻ không được chấp nhận thanh toán

Một số cửa hàng có thể chỉ chấp nhận sử dụng thẻ Mastercard hoặc Visa. Vì thế trước khi đi mua sắm, bạn cần tìm hiểu cửa hàng đó có chấp nhận loại thẻ bạn đang dùng hay không.

Bất cứ khi nào thẻ bị từ chối, các bạn cũng nên bình tĩnh xử lý, nhẹ nhàng đề xuất cách giải quyết. Bạn nên yêu cầu nhân viên hỗ trợ để có những phương án giải quyết tốt hơn. Khi thẻ tín dụng bị từ chối thì liên hệ ngân hàng là điều cần thiết nhất.

7 lý do thẻ tín dụng bị từ chối, cách giải quyết và cách hủy thẻ đơn giản - 2
Nhiều nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho từng trường hợp khi thẻ tín dụng bị từ chối (Ảnh minh họa: TNI).

 Cách hủy thẻ tín dụng vô cùng đơn giản

Bước 1: Thanh toán toàn bộ dư nợ

Trước khi hủy thẻ tín dụng, điều quan trọng nhất là bạn phải thanh toán toàn bộ số dư nợ còn lại trên thẻ. Điều này giúp tránh các khoản lãi suất và phí phạt phát sinh sau khi bạn đã hủy thẻ.

Hãy kiểm tra bảng sao kê thẻ tín dụng của bạn để biết chính xác số dư nợ và thanh toán đầy đủ số tiền đó.

Bước 2: Hủy các giao dịch tự động liên kết

Nếu bạn có bất kỳ giao dịch tự động nào (như thanh toán hóa đơn, dịch vụ trực tuyến, hoặc đăng ký hàng tháng) được liên kết với thẻ tín dụng muốn hủy, hãy hủy hoặc chuyển sang một phương thức thanh toán khác. 

Điều này giúp đảm bảo rằng bạn không bị gián đoạn dịch vụ và tránh các khoản phí bất ngờ khi thẻ bị hủy.

Bước 3: Liên hệ ngân hàng

Sau khi thanh toán toàn bộ số dư nợ và hủy các giao dịch tự động, hãy liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ để yêu cầu hủy thẻ tín dụng. Bạn có thể liên hệ qua tổng đài chăm sóc khách hàng, gửi email, hoặc đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng. 

Lưu ý: Một số ngân hàng có yêu cầu cụ thể về các thông tin cung cấp để xác nhận hủy thẻ và mỗi ngân hàng đều có hướng dẫn chi tiết cho việc hủy thẻ công bố trên trang web của ngân hàng. 

Bước 4: Xác nhận yêu cầu hủy thẻ

Sau khi yêu cầu hủy thẻ, hãy yêu cầu ngân hàng cung cấp xác nhận bằng văn bản hoặc email về việc hủy thẻ tín dụng. Điều này giúp bạn có bằng chứng trong trường hợp có tranh chấp hoặc sai sót sau này. Hãy lưu giữ xác nhận này một cách cẩn thận.

Bước 5: Hủy thẻ vật lý

Khi bạn nhận được xác nhận hủy thẻ từ ngân hàng, hãy cắt thẻ tín dụng thành nhiều mảnh để đảm bảo rằng thẻ không thể được sử dụng lại. Hãy đặc biệt chú ý cắt qua dải từ và chip của thẻ để đảm bảo rằng thông tin trên thẻ không thể bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép.

Bước 6: Theo dõi sao kê sau khi hủy thẻ

Sau khi hủy thẻ tín dụng, hãy kiểm tra bảng sao kê của bạn trong vài tháng tiếp theo để đảm bảo rằng không có giao dịch nào phát sinh sau khi thẻ đã bị hủy. Nếu bạn phát hiện bất kỳ giao dịch nào bất thường, hãy liên hệ ngay với ngân hàng để giải quyết.