Ngày 23/4, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh trong phiên họp của UB Các vấn đề xã hội của QH đã khẳng định khối lượng công việc của ngành so với năm 2011 là năm được duyệt 27.000 biên chế đã tăng gấp đôi, cán bộ phải làm việc cả thứ 7 và chủ nhật. Hàm ý quá rõ ràng rằng thiếu người, làm việc quá tải, lương chưa nghĩ đến cải thiện, nay lại bảo bớt người đi thì bớt kiểu gì đây.
Hôm sau, cũng tại phiên họp của UB này, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu lương ngành y tế thấp, so sánh đơn giản với lương ngành BHXH thì ước ao giá được như vậy, rồi đề xuất lương khởi điểm bác sĩ gần 9 triệu.
Ngày..., nếu UB Các vấn đề xã hội lại mời đại diện vài bộ, ngành ra báo cáo và đề xuất câu chuyện lương của ngành, lĩnh vực mình phụ trách thì chắc 100% sẽ đề xuất phải tăng.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh (trái) và ĐB Phạm Khánh Phong Lan (phải)
Và tiếng kêu hàng đầu vẫn là tăng lương cho đội ngũ nhà giáo. Nhớ lại trong tâm thư của Bộ trưởng GD-ĐT hồi đó nhân ngày 20/11/2006 có khẳng định sẽ làm 5 việc thì cái thứ 5 là: “Xây dựng đề án lương và phụ cấp cho giáo viên theo lộ trình từ năm 2007 đến năm 2010 để trình Chính phủ, sao cho từ năm 2010 trở đi, các thầy cô giáo sống được bằng lương của nhà giáo”.
Một đề xuất phản ánh nguyện vọng của các thầy cô giáo. Mà nguyện vọng quá đơn sơ - đó là sống được bằng nghề của mình.
Nói như vậy tức là chúng ta lại quay trở lại cái gốc của vấn đề: Lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện tại vẫn không đủ sống. Bao giờ mới đi làm đủ sống đây?
Câu hỏi này tưởng đã được giải quyết năm 2001 khi Chính phủ trên cơ sở quan điểm mới về tiền lương của Nghị quyết TƯ 7 khóa 8 năm 1999 “trả lương đúng cho người lao động chính là thực hiện đầu tư cho phát triển ...”, trong Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 “đã mạnh dạn xác định mục tiêu đến năm 2005, tiền lương của cán bộ, công chức được cải cách cơ bản, trở thành động lực của nền công vụ, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức và gia đình''. Rất đáng tiếc, mục tiêu này không đạt được.
Chương trình tổng thể CCHCNN giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ ban hành năm 2011 lại một lần nữa xác định đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Chỉ còn hơn 2 năm nữa cho thực hiện mục tiêu này. Rất khó khả thi!
Vì sao ngành nào cũng kêu lương thấp?
Mấy chục năm qua, trong khi lương chưa được cải cách cơ bản, thì như một quy luật tất yếu ngành nào cũng kêu lương thấp và khi có dịp cần thể hiện cũng có ngành thể hiện rất thành công cái sự thấp này.
Chính cái sự thành công này dẫn đến sự ra đời của các loại phụ cấp lương. Thật là đa dạng và phong phú.
Phụ cấp ngành hải quan, thuế, thanh tra, giáo viên, phụ cấp công chức bộ máy đảng, rồi phụ cấp công vụ cho công chức hành chính... Nếu so sánh các loại phụ cấp này với nhau đã thấy những sự vênh nhau, bất hợp lý. Tuy nhiên, vì đã trót ra, cho nên thôi đợi cải cách lương thay đổi một thể. Và trong lúc chưa cải cách lương, lác đác lại thấy kêu như kiểu mấy hôm vừa rồi. Cũng là khó cho cả người kêu lẫn người nghe.
Ví như người đứng đầu ngành giáo dục mà không kêu lương giáo viên công lập thấp là mất điểm ít nhất trong con mắt hệ thống giáo dục. Rồi đến người đứng đầu ngành y tế. Rồi cuối cùng là người đứng đầu ngành nội vụ.
Người nghe trước hết là Chính phủ, là Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực tương ứng, rồi Thủ tướng, rồi tiếp đến là các UB của QH, rồi UB Thường vụ QH và cuối cùng là QH. Câu hỏi vẫn cứ bỏ ngỏ mãi tới mấy hôm rồi. Phải chăng cải cách cơ bản lương đòi hỏi một khoản chi lớn từ ngân sách nhà nước mà hiện tại không lo nổi? Tiền ở đâu để cải cách? Nếu chỉ bàn mỗi câu chuyện cải cách lương thì đúng là không có tiền để làm thật, nhưng gắn với cải cách lương là nhiều thứ phải làm và từ nhiều thứ phải làm này sẽ đẻ ra một phần tiền cho cải cách lương.
Tiết kiệm chi tiêu công, tinh gọn bộ máy
Trước hết, cải cách lương phải gắn liền với đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn thực sự. Một vài chuyển động gần đây cho thấy có vẻ hướng đi đang đúng và rõ. Đó là nghiên cứu về đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội - chính trị, là giảm bớt các sở ở tỉnh và tiến tới là các phòng ở huyện...
Đừng quên các DN nhà nước trong bộ máy hiện tại. Câu hỏi cần đặt ra ở đây hết sức đơn giản, đó là trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay, nhà nước có cần có DN nhà nước sản xuất bia, rượu, nước giải khát, sữa, thuốc lá, chè, xi măng, gạch, ngói, xây dựng nhà ở...? Chỉ tính riêng thu gọn bộ máy cho phù hợp, nguồn tiền dư ra ở đây cũng không nhỏ.
Cái gắn thứ hai là tính đúng số người làm việc, giảm biên chế. Cái này ta làm hoài mà vẫn không chuẩn vì không thực sự làm, không dám đau để làm. Làm cái này là phải loại, đưa ra khỏi bộ máy những người có khi là người thân, họ hàng, bạn bè của ta, là người ta đã nhận cái này cái kia khi đưa vào công vụ... Làm chuẩn cái này chắc chắn dư ra một khoản tiền cũng không nhỏ.
Cái gắn cuối cùng tạm nêu ở đây, đó là tiết kiệm chi tiêu công. Tiết kiệm đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm xăng, xe, điện, nước, văn phòng phẩm... Rất nhiều đầu mục có thể nêu ở đây và nếu làm chặt chẽ thì toàn hệ thống hành chính cũng sẽ dư ra một khoản rất lớn.
Ba khoản dư ra này cộng lại có đủ cơ sở tài chính cho cải cách lương cơ bản hay không hãy đợi các chuyên gia tính toán, nhưng chí ít đã cho thấy hy vọng.
Người làm việc trong bộ máy ít hơn, nhưng bảo đảm đáp ứng được yêu cầu công việc và do đó được trả lương xứng đáng: Lương không những đủ sống mà còn dư để tích lũy lâu dài. Đây mới là động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức cơ bản vừa thực thi công vụ tốt, vừa miễn nhiễm với tham nhũng trong tương lai.