Nhà nước sẽ không quy định thang bảng lương
Tiếp tục phiên chất vấn, sáng nay 11/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) chất vấn về tình trạng có nơi người sử dụng lao động áp dụng bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với mức tiền lương tối thiểu vùng, dẫn đến người lao động gặp khó khăn trong cuộc sống.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và có giải trình.
Cụ thể, Bộ trưởng cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương thì sẽ thực hiện từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Bộ đã báo cáo với Chính phủ cho phép lùi việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp.
Bộ trưởng thông tin thêm, Bộ đang tiến hành làm thí điểm ở 3 tập đoàn việc áp dụng chính sách cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp.
“Trên cơ sở rút kinh nghiệm, sẽ triển khai trên quy mô cả nước và theo tinh thần lương được xác định trên giá cả và sức lao động. Đây là thay đổi căn bản trong chính sách thời gian tới”, ông nói.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chính vì giá cả, sức lao động nên chủ lao động phải trả lương theo nguyên tắc thị trường và trên cơ sở có sự can thiệp chừng mực của Nhà nước, đề cao vai trò tự chủ của người sử dụng lao động.
Về mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động sẽ là người quyết định thang bảng lương, “đây là thay đổi căn bản vì nhà nước sẽ không quy định thang bảng lương”.
“Người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ là người thỏa thuận về mức lương thu nhập dựa trên cơ sở 3 căn cứ: Sự phát triển của doanh nghiệp, thu nhập phúc lợi của người lao động và dựa trên cơ sở là mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng là mức sàn tối thiểu Nhà nước đặt ra bắt buộc các doanh nghiệp chủ sử dụng lao động không thể trả mức lương thấp hơn. “Nếu thấp hơn tức là vi phạm, còn cao hơn mức đó thì là hai bên thỏa thuận. Người lao động có quyền chấp nhận hay không chấp nhận khi thỏa thuận này không đáp ứng nhu cầu...”, Bộ trưởng nói.
Chuyển hướng đào tạo trong cuộc cách mạng 4.0
Trả lởi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) về các chính sách trung tâm, chương trình chuẩn bị lực lượng lao động và chuyển hướng đào tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như thế nào, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chuyển đổi số trong thời gian tới có thể làm mất đi nhiều việc làm của người lao động nhưng chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội mới nếu chúng ta biết tận dụng.
Vì vậy, Bộ sẽ tập trung vào các giải pháp quan trọng, cơ bản.
Một là, chú trọng nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực, làm cơ sở để điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là, bổ sung các quan sát, đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề, lĩnh vực, sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp đó đẩy mạnh thu hút và tập trung nguồn lực để thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện, rà soát lại các cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là chính sách thúc đẩy liên kết 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường.
Bốn là, nhấn mạnh các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện ngay từ khâu đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá.
Năm là có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ năng để chuyển đổi công việc đáp ứng yêu cầu. Mở rộng đối tượng bao gồm hỗ trợ cả người lao động thất nghiệp, người lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ các nguồn kinh phí, các quỹ hợp pháp và các nguồn vốn sự nghiệp.