Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Chỉ 12 - 18% người tiêu dùng chọn sản phẩm xanh vì giá cao

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Kết quả khảo sát nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố cho thấy xu hướng tiêu dùng bền vững đang dần được quan tâm nhiều hơn.

Cụ thể, có tới 59% người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các sản phẩm xanh, 44% người dùng sẵn sàng chi thêm từ 5 - 10% giá so với sản phẩm thông thường để hỗ trợ tiêu dùng bền vững, tỷ lệ người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm xanh vẫn thấp, chỉ khoảng 12 -18% tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Rào cản lớn nhất là sản phẩm có giá cao (78% người tiêu dùng cho biết như vậy). Chị Nguyễn Minh Trang, nhân viên văn phòng ở Hà Nội dù rất thích chọn sản phẩm, tuy nhiên chị cho biết: “Tôi rất quan tâm đến sức khỏe và môi trường nên thường tìm hiểu sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chỉ 12 - 18% người tiêu dùng chọn sản phẩm xanh vì giá cao - 1
 Rất nhiều người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm xanh.

Vì giá thành sản phẩm này cao nên tôi không thường xuyên mua. Mong giá thành sản phẩm giảm hơn nữa để nhiều người có thu nhập trung bình có thể sử dụng thường xuyên”.

Một yếu tố khác khiến sản phẩm xanh gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường là sự khan hiếm sản phẩm và thiếu thông tin đầy đủ, cũng như lo lắng hàng nhái, hàng giả. Bởi người tiêu dùng biết đến sản phẩm xanh chủ yếu qua không gian mạng (khoảng 40%), nhưng việc thiếu nguồn thông tin đáng tin cậy khiến họ còn lăn tăn khi chọn lựa.

Là người chú trọng bảo vệ sức khỏe gia đình cũng như bảo vệ môi trường, chị Hoàng Minh An (Cầu Giấy, Hà Nội) sẵn sàng chi số tiền lớn để sử dụng sản phẩm xanh.

Tuy nhiên, chị An cho biết: “Tôi tìm hiểu thì việc đạt được tiêu chuẩn của sản phẩm xanh, tiêu chuẩn về sản phẩm organic là rất khó. Nhưng thị trường hiện nay lại có quá nhiều sản phẩm khiến tôi phân vân không biết sản phẩm đó có đúng tiêu chuẩn như quảng cáo không”.

Cũng theo kết quả khảo sát, lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của phần lớn người dùng hiện nay.

Trong đó, nhóm thực phẩm xanh có mức độ cao nhất so với sản phẩm xanh các ngành khác nhưng cũng chỉ đạt mức độ gần thường xuyên, chứ chưa thường xuyên; sản phẩm hóa mỹ phẩm xanh và đồ gia dụng xanh được sử dụng ở mức độ thỉnh thoảng; các sản phẩm dụng cụ thể thao, văn phòng phẩm, phương tiện đi lại và may mặc xanh còn ít khi được mua dùng.

Đối tượng khách hàng chính yếu của sản phẩm xanh là người tiêu dùng trong độ tuổi từ 31 - 45, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/tháng. Khi chọn mua sản phẩm xanh, người tiêu dùng thường quan tâm đến chất lượng và tính an toàn cho sức khỏe rồi mới đến yếu tố thân thiện môi trường.

Chỉ một số ít quan tâm đến việc sản phẩm đó có thể tái sử dụng hoặc làm từ nguyên liệu tái chế.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nếu doanh nghiệp có thể đưa ra những sản phẩm xanh với mức giá phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thì tiêu dùng xanh sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa. 

Khi nhu cầu tăng lên sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào sản xuất xanh, từ đó tạo ra chuỗi cung ứng bền vững.

Để thúc đẩy tiêu dùng xanh, các cơ quan và doanh nghiệp cần đưa ra chính sách hỗ trợ, từ việc giảm giá thành sản phẩm đến tăng cường thông tin giáo dục về lợi ích sản phẩm tái chế. Khi có sự đồng lòng từ cộng đồng và nhà sản xuất, tiêu dùng xanh mới có thể trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại, không chỉ là xu hướng nhất thời.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 140