Bên cạnh đó, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới).
Số ca nhiễm HIV tại các tỉnh phía nam tăng mạnh
Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS sắp tới (ngày 1/12), Ths Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho hay, tính đến tháng 10, toàn quốc có gần 270.000 người nhiễm HIV.
Trong đó hơn 11.000 ca nhiễm mới, 1.263 ca tử vong. Hơn 68% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và TPHCM, độ tuổi 15 - 29 chiếm tỷ lệ lớn. Nam giới nhiễm HIV vẫn giữ xu hướng tăng và chiếm hơn 80% số ca nhiễm mới hàng năm.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Nhóm MSM liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hàng năm (hơn 40%). Kết quả ước tính và dự báo cũng cho thấy, MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Ngoài sự gia tăng mạnh ca nhiễm HIV tại khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Đặc biệt, hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,5% vào tháng 9/2024; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9/2024.
Công bằng, bình đẳng trong dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
PGS, TS Phan Thị Thu Hương cho biết, chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể.
Việc Việt Nam chọn chủ đề này thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Bà Phan Thị Thu Hương cho biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đang tập trung vào mục tiêu mở rộng và đa dạng loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm, hướng đến việc đạt 95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình vào năm 2030.
Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế giảm dần, để đảm bảo nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bà Hương cho biết, bên cạnh tiếp tục vận động, huy động các nguồn tài chính quốc tế, Bộ Y tế tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong nước, gồm: Ngân sách địa phương, nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, ngân sách Trung ương, thu phí dịch vụ và huy động khu vực tư nhân và các nguồn xã hội hóa.
Đến nay, các nguồn tài chính trong nước đã đạt khoảng 45%. Đồng thời, ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế khuyến khích cho việc tăng cường khu vực tư nhân tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, nhằm tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực tư nhân lên tới 10% năm 2025 và 15% năm 2030;
Tiếp tục hoàn thiện khung giá dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo định mức kinh tế kỹ thuật cập nhật để thu phí một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Bảo Châu
Báo Lao động và Xã hội số 140