Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định năm 2025 tăng tốc, bứt phá và thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá trên tinh thần đổi mới cả tư duy, cách nghĩ, cách làm và hành động, cả về tổ chức bộ máy đến nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng với tốc độ cao hơn, hiệu quả hơn
Ông có thể cho biết tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2024 và đâu là điểm sáng?
- TS Nguyễn Minh Phong: 2024 là năm Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2023 với tốc độ cao hơn, hiệu quả hơn.
Điểm sáng nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng vượt 7%, vượt mức Chính phủ và Quốc hội giao từ đầu năm, đặc biệt là tăng trưởng cao trong bối cảnh dư nợ tín dụng tăng không cao lắm, lạm phát thấp. Điều này thể hiện chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động cũng như hiệu quả của nền kinh tế.
Thứ hai, trong quá trình tăng trưởng có một loạt điểm sáng như: Xuất khẩu đạt cao nhất từ trước tới nay, xuất siêu cao nhất trong 5 năm qua và 9 năm liên tục, cộng với xuất hiện thêm nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới, trong đó có nông nghiệp và khả năng sẽ định hình thêm một số chuỗi cung ứng mới, nhất là trong công nghiệp, chế biến công nghệ cao.
Thứ ba, FDI tiếp tục tỏa sáng, là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Việt Nam cũng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường, hạn chế rủi ro khi xuất khẩu tập trung vào một số thị trường như trước đây.
Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục nâng cấp các đối tác chiến lược toàn diện.
Năm 2024, chúng ta đã nâng cấp với 3 nước Australia, Pháp, Malaysia; nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Mông Cổ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)… qua đó tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Đối tác chiến lược toàn diện cũng tăng, hiệp định thương mại tăng củng cố vị thế của Việt Nam, hơn nữa giá trị thương hiệu quốc gia cũng tăng một bậc, cộng với lĩnh vực du lịch có nhiều điểm đến được lựa chọn đã cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài cũng như là điểm đến của du khách quốc tế.
Nhìn chung, 2024 là năm đánh dấu chính thức sự phục hồi trở lại trước dịch Covid-19, đây là điểm sáng nổi bật, mang tính tổng thể.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% và mới đây là tăng trưởng 2 con số? Theo ông, điều này có cơ sở thực hiện được không?
- Về nguyên tắc, năm 2025 sẽ thuận lợi hơn khi năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi và với mức tăng trưởng 7% đã đạt được thì phấn đấu đạt 8% là có cơ sở. Mặc dù Quốc hội chỉ giao tăng 7,5% nhưng nên đặt mục tiêu 8% để vừa thúc đẩy tiềm năng, cũng như để Việt Nam sớm thu hẹp khoảng cách với thế giới.
Tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng này cũng cao nếu có sự đồng lòng của lãnh đạo các cấp cũng như cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khai thác các thị trường FDI và thị trường trong nước tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc định hình và triển khai mạnh các chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng trong công nghệ chất lượng cao cũng như trong xuất khẩu nông nghiệp, xuất khẩu chủ lực mới thì Việt Nam mới chắc khả năng đạt mức độ tăng trưởng, cộng với việc triển khai tốt dư nợ tín dụng và phục hồi lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì dòng đầu tư thế giới sẽ tăng lên.
Hơn nữa, năm 2025 chúng ta triển khai nhiều đầu tư công với khoảng 800.000 tỷ đồng so với 670.000 tỷ đồng năm 2024, cộng với chính sách nới lỏng tín dụng, tiếp tục ổn định tỷ giá ở mức độ phù hợp, đặc biệt là hạ lãi suất, hy vọng các doanh nghiệp sẽ có nhiều động lực để tăng trưởng.
Cộng với những luật mới được thông qua sẽ phát huy tác dụng tốt, trong đó đặc biệt liên quan đến bất động sản… Đây là cơ sở có tính khả thi với mức tăng trưởng năm 2025.
Động lực quan trọng nhất là tinh gọn bộ máy
Ông có thể cho biết rõ hơn về những động lực phát triển kinh tế trong năm 2025?
- Những cơ sở để Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên chính là những động lực lớn để phát triển nền kinh tế. Nhưng có thể kể đến động lực quan trọng nhất là việc tinh gọn bộ máy. Nó sẽ giúp giảm nhẹ các gánh nặng hành chính, kể cả chi phí tài chính để nuôi bộ máy cũng như chi phí cơ hội mà người dân và doanh nghiệp phải trả khi tuân thủ các hiệp định quản lý.
Hơn nữa, khi chúng ta làm tốt công tác nhân sự để sàng lọc được người tài và lãnh đạo, xây dựng chính phủ thông minh như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói thì chúng ta sẽ có động lực thể chế rất mạnh.
Thứ hai là niềm tin của thị trường vào chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài rất cao. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hơn 60 - 70% doanh nghiệp đã đầu tư sẽ mở rộng ở Việt Nam trong năm 2025 nên dòng FDI sẽ tiếp tục được đầu tư vào Việt Nam, nhất là dự án của các tập đoàn lớn, công nghệ cao.
Động lực nữa cũng rất quan trọng là thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, môi trường đầu tư liên quan đến các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai. Đặc biệt, cộng với thể chế về pháp lý mới được hướng dẫn tốt, vào cuộc sống sớm, nhanh sẽ trở thành động lực quan trọng.
Hơn nữa, các thị trường xuất khẩu chính, kể cả nhập khẩu chính của Việt Nam trong năm 2025 sẽ phục hồi tốt hơn năm 2024, do đó chúng ta sẽ có thêm những cơ hội từ bên ngoài.
Chuyển đổi số là một trong những động lực mạnh mẽ và sẽ tiếp tục trong năm 2025. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7% nhưng kinh tế số tăng 20%, thương mại điện tử tăng cao hơn nữa. Cho nên chuyển đổi số tiếp tục là động lực không chỉ của năm 2025 mà kéo dài hết thập kỷ.
Vậy các giải pháp cụ thể trong năm 2025 là gì, thưa ông?
- Thủ tướng và Quốc hội đã đề ra rất rõ những giải pháp cơ bản trong năm 2025. Nhưng điều quan trọng nhất là tinh gọn bộ máy phải đạt được hiệu quả thực sự về chất, cộng với giữ được ổn định tâm lý, ổn định được tâm trạng xã hội, nhất là những người trong cuộc, người quản lý nhà nước để từ đó họ an tâm, dốc sức làm việc, nâng cao trách nhiệm giải ngân đầu tư công tốt, giảm thiểu phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, hệ thống ngân hàng cần đồng hành cùng doanh nghiệp nhiều hơn, đặc biệt là lãi suất cũng như điều kiện để tiếp cận vốn. Việc áp dụng chuyển đổi số phải đẩy mạnh hơn nữa trong tất cả lĩnh vực, kể cả ngân hàng, đầu tư công, quản lý thị trường, bất động sản và các hoạt động quản lý khác.
Ngoài ra, phải có sự tuyên truyền và nhận diện tốt hơn về bảo hộ thương mại, bảo hộ phi thuế quan của những thị trường lớn để doanh nghiệp có điều kiện và chuẩn bị sẵn tinh thần, khả năng để vượt qua và khai thác tốt các thị trường này.
Thị trường trong nước cần được khai thông nhiều hơn, theo hướng khuyến khích các hoạt động đầu tư phát triển cũng như tiêu dùng hướng tới phát triển chứ không phải tiêu dùng xa xỉ, không có lợi cho đất nước. Các doanh nghiệp hợp tác với nhau nhiều hơn, cộng đồng nhiều hơn và phản ứng thị trường tốt hơn để có được các cơ hội và khai thác cơ hội.
Như vậy có thể nói. 2025 là năm bản lề chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, thưa ông?
- Thực ra kỷ nguyên mới này đã bắt đầu định hình từ năm 1986, được tăng tốc trước dịch Covid-19, về thời điểm là vào những năm cuối 2020 đã bắt đầu. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIV gắn với các sự kiện lớn, còn đà tăng trưởng và tầm vươn mình của nó đã được định vị từ trước.
Vì vậy, năm 2025 và 2026 chính thức được ghi trong biên niên sử, dựa trên đà tăng trưởng và thành tựu của quá khứ cũng như nắm bắt các cơ hội mới. Với tinh thần đó, lời hiệu triệu của Tổng Bí thư quan trọng nhất là khích lệ lòng tự tôn, tự hào dân tộc, tạo sự hưng phấn và quyết tâm nỗ lực đầu tư hơn nữa.
Nói chung đây cũng là hiệu triệu cần thiết, vấn đề là phải giảm thiểu lợi ích nhóm, giảm thiểu tất cả những biện pháp phi pháp luật, biện pháp hành chính trong quản lý kể cả kinh tế, xã hội đất nước để đảm bảo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Xin cảm ơn ông!
Huyền Minh (thực hiện)
Báo Lao động và Xã hội số 1